Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa thông quan tại cảng hàng không

Ngành Hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa thông quan tại cảng hàng không

Ngày 30/9/2011, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 2005/QĐ-TCHQ ban hành Quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng hải quan (sau đây gọi tắt là Quy trình 2005).

Sau thời gian đi vào thực tiễn, về cơ bản, Quy trình 2005 được áp dụng theo quy định của pháp luật, thống nhất trong toàn Ngành; góp phần nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan.

Tuy nhiên, đến nay đã có những thay đổi, điều chỉnh về hệ thống văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể như: Luật Hải quan năm 2014, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2013 và các văn bản pháp luật hiện hành như: Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan… Đồng thời, thực tiễn tình hình công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong lĩnh vực hải quan cũng nảy sinh một số vấn đề, vướng mắc và yêu cầu đổi mới.

Do đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung, thay thế Quyết định số 2005/QĐ-TCHQ ngày 30/9/2011 ban hành Quy trình Kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng hải quan là yêu cầu cấp thiết, khách quan, nhằm khắc phục hạn chế, bất cập, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay.

“Dựa trên đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cũng như kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế để chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn công tác phòng, chống ma túy của ngành hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ ngày 01/12/2021 về việc ban hành quy trình phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của lực lượng Hải quan thay thế cho Quy trình 2005”, đại diện Cục điều tra chống buôn lậu thông tin.

Điểm mới trong Quy trình phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy của lực lượng Hải quan được bàn hành kèm theo Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ ngày 1/12/2021 đó là việc quy định cụ thể về phân công trách nhiệm. Theo đó, nhiệm vụ phòng, chống ma túy là nhiệm vụ của toàn ngành Hải quan chứ không chỉ riêng của lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Kiểm soát, phát hiện ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan phải được tăng cường triển khai và là trách nhiệm của tất cả công chức ở các khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan (từ tiếp nhận hồ sơ, phân tích rủi ro, phân luồng, giám sát, kiểm tra…).

Cùng với đó, Quy trình mới cũng quy định cụ thể, thống nhất về nguyên tắc, cơ chế, phương thức tổ chức thực hiện công tác thông tin, báo cáo; trình tự hóa các bước, các biện pháp nghiệp vụ cần bảo đảm thực hiện trong quá trình cơ quan hải quan chủ trì và phối hợp đấu tranh phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trong địa bàn hoạt động hải quan do cơ quan Hải quan chủ trì hoặc phối hợp thực hiện.

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Tp. Hà Nội) sử dụng chó nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa
Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Tp. Hà Nội) sử dụng chó nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hàng hóa

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết, thời gian qua, Cục đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy trong tất cả các khâu, các tuyến, các địa bàn để nâng cao một bước hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Cục Điều tra chống buôn lậu cũng chỉ ra rằng việc bố trí, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ trong phòng, chống ma túy là yêu cầu thiết yếu về mặt phương tiện, công cụ triển khai nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của Ngành.

Các loại trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ma túy của ngành Hải quan bao gồm: Máy phát hiện ma túy, máy soi, va li thuốc thử, chó nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, ô tô (như xe gắn thiết bị chuyên dùng, xẻ chở huấn luyện viên và chở chó nghiệp vụ, xe kiểm tra, kiểm soát), phương tiện thông tin liên lạc, máy ghi âm ghi hình, hệ thống định vị, giám sát…

Trong thời gian qua, thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn do cơ quan Hải quan chủ trì, phối hợp tổ chức, đã trang bị cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm hữu ích về sử dụng trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phát hiện, ngăn chặn và xử lý vụ việc, vụ án về buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới.

Hoạt động đào tạo, tập huấn cho huấn luyện viên và chó nghiệp vụ phát hiện ma túy của Ngành ngày càng được quan tâm, hướng đến thúc đẩy về quy mô, chất lượng, bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, hướng đến tính chuyên nghiệp, chuyên sâu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Thời gian tới, ngành Hải quan tiếp tục tham mưu các cấp thực hiện công tác rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định, quy trình, quy chế về quản lý, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng, chó nghiệp vụ phát hiện ma túy một cách có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ mới, bối cảnh mới.

Báo cáo của Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chỉ ra rằng, tính từ 01/01/2021 đến 30/10/2021, lực lượng Hải quan đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển bắt giữ 208/190 đối tượng; thu giữ 86,15kg và 27 bánh heroin; 92,68kg cần sa; 7,6kg thuốc phiện; 470,54kg và 200.686 viên ma túy tổng hợp; 306,2kg ketamine; 6,9 kg tiền chất acetic anhydride và 1.020 viên chất hướng thần các loại (60 viên diazepham, 90 viên alprazolam, 60 viên temazepam, 810 viên tramadol).

Những thành tích trên đây của lực lượng Hải quan thể hiện rõ yêu cầu tất yếu của việc sửa đổi, bổ sung, thay thế quy trình nghiệp vụ kiểm soát ma túy. Thời gian tới, khi Luật Phòng, chống ma túy, Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, quy trình kiểm soát ma túy đính kèm Quyết định số 3131/QĐ-TCHQ ngày 1/12/2021 của Tổng cục Hải quan và các văn bản liên quan khác chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, tạo cơ sở căn bản quan trọng thúc đẩy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy của các lực lượng chức năng nói chung và cơ quan Hải quan nói riêng.

Hải Minh