Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 9/11/2023, và giấy chứng nhận điều chỉnh vào ngày 5/2/2024. Nhà máy này sẽ tập trung sản xuất các loại văn phòng phẩm từ giấy, nhựa; hàng gia dụng từ nhựa, đồng thời đảm nhận quyền xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối bán buôn các sản phẩm.
Nhà máy được xây dựng trên diện tích khoảng 212.480m2 với vốn đầu tư tổng cộng gần 6.500 tỷ đồng. Dự án có thời gian hoạt động trong 50 năm và sẽ tạo ra khoảng 3.000 việc làm mỗi năm.
Quy mô sản xuất của nhà máy được dự kiến lên đến hơn 104 triệu sản phẩm văn phòng phẩm từ giấy, nhựa mỗi năm; 33 triệu sản phẩm hồ, keo dán; hơn 23,7 triệu sản phẩm gia dụng, thiết bị văn phòng và giáo dục, khoảng 2,4 triệu sản phẩm máy tính cá nhân, máy photocopy, máy hủy tài liệu và nhiều thiết bị điện tử khác. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất 22,5 triệu sản phẩm từ cao su như bóng, gậy, thảm và dụng cụ vệ sinh.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 8/2024, tỉnh Hải Dương đã cấp phép mới cho 46 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 202.500 USD, chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp Đại An mở rộng, Phúc Điền mở rộng và An Phát 1. Đồng thời, tỉnh cũng đã điều chỉnh tăng vốn cho 23 dự án, với tổng vốn tăng thêm 108.700 USD.
Lũy kế đến hết tháng 8/2024, Hải Dương hiện có 577 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 10,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 590 triệu USD vốn FDI, vượt 90 triệu USD so với mục tiêu ban đầu.
Hà Trần (t/h)