Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn một số trường hợp chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định. Việc này có một số nguyên nhân như: Do báo giảm chậm người hưởng chết; chi chế độ ốm đau cho người lao động đối với những ngày nghỉ hưởng chế độ, mà đơn vị sử dụng bảo hiểm xã hội, do đơn vị điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội..., dẫn đến phát sinh số tiền phải thu hồi.

Kết quả tính đến hết ngày 31/8/2024, số tiền phải thu hồi chi sai chế độ bảo hiểm xã hội là trên 259,3 tỷ đồng, trong đó số tiền đã thu hồi là hơn 229 tỷ đồng, số tiền còn phải thu hồi là hơn 30,3 tỷ đồng.

Để khắc phục và hạn chế tình trạng thu hồi chi sai đối với các trường hợp nêu trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề ra một số giải pháp như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thường xuyên nâng cấp, bổ sung chức năng phần mềm nghiệp vụ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Đơn cử như bổ sung chức năng cảnh báo khi người đang hưởng lương hưu, hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng chết, liên thông dữ liệu khai tử với Sở Tư pháp để việc báo giảm chết được kịp thời.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện trường hợp chi sai chế độ bảo hiểm xã hội và xử lý vi phạm.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp, đôn đốc cơ quan Bưu điện kiểm tra, rà soát, tăng cường công tác quản lý người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Cùng với đó, hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động đề nghị quản lý chặt chẽ bảng chấm công, chứng từ đề nghị hưởng chế độ ốm đau, thai sản. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ phải lập đúng quy định, chịu trách nhiệm nếu có sai phạm.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 8 tháng năm 2024, cả nước có 18,742 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 8,79% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 16,89 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; hơn 1,85 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mặc dù số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp có tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhưng có xu hướng giảm so với thời điểm cuối năm 2023. Do vậy khả năng đạt được kế hoạch được giao trong năm 2024 vẫn là thách thức.

Để tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm 2024 đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm gồm: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Người lao động làm việc không trọn thời gian.

Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.

Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác, phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.

Việc bổ sung quy định trên đảm bảo phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động 2019. Đồng thời, bảo đảm gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia, góp phần gia tăng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội.

Phương Thảo(t/h)