Đấu trí với nhiều chuyên án ma tuý “khủng”
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Hải quan đã triệt phá nhiều chuyên án ma tuý lớn, thu giữ nhiều tang chứng, vật chứng. Ấn tượng nhất, phải kể đến thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc triệt phá thành công chuyên án HK668, thu giữ 280,85 kg ketamine trong quý I, II/2021. Chuyên án ma túy này do Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và lực lượng Công an phối hợp triệt phá.
Nhận được tin báo về đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ khu vực Tam Giác Vàng, qua Campuchia vào Việt Nam theo các đường mòn, lối mở ở khu vực các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc tỉnh Tây Ninh, tập kết tại TP. Hồ Chí Minh rồi tìm cách ngụy trang kín đáo, cất giấu tinh vi trong các lô hàng xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc) bằng đường hàng không… rất nhanh chóng, Cục Điều tra chống buôn lậu đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh lên kế hoạch triệt phá.
Kiểm tra một lô hàng mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất xuất khẩu đi Đài Loan (Trung Quốc) gồm 22 kiện/424kg (G.W) khai báo là quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm…, lực lượng Hải quan phát hiện trong đó có 1 kiện chứa trong bao bì PP gồm các gói nhỏ ghi thức ăn cho mèo, nhãn hiệu Felix. Theo kết quả kiểm tra, kiện hàng có chứa 81 gói Ketamine, tổng cộng 4.392 gram.
Bên cạnh đó, cũng trong khoảng thời gian trên, các đối tượng này đã mở 1 tờ khai xuất khẩu lô hàng khai báo là “thiết bị tạo lớp màng bán dẫn cho linh kiện bán dẫn”. Sau khi có sự trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra (Cơ quan tư pháp Đài Loan - Trung Quốc) và Cục Điều tra chống buôn lậu, ngày 20/2/2021, phía Đài Loan đã bắt giữ 1 lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam có cất giấu trong kiện đèn Led 12 kg Ketamine và 30 kg ketamine cất giấu trong thiết bị tạo lớp màng bán dẫn cho linh kiện bán dẫn.
Sau đó, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tiếp tục phối hợp mở rộng điều tra và đến cuối tháng 5/2021, Ban chuyên án đã chặn đứng đường dây vận chuyển 6 máy mô tơ nghi vấn chứa ma túy vận chuyển về kho 126C Phạm Hùng, bắt giữ 5 đối tượng, thu giữ 280,85 kg Ketamine, với trị giá khoảng 300 tỷ đồng.
Mới đây, vào ngày 12/11/2021, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất đi Australia, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh và Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy đã nghi vấn một bưu kiện (trọng lượng hơn 16 kg) do có hình ảnh bất thường.
Kết quả xác minh nhanh cho thấy, tên, số điện thoại và địa chỉ người gửi đều không có thật. Sau khi tiến hành kiểm tra bưu kiện đã phát hiện gần 5 kg ma túy là Methaphetamine được ngụy trang tinh vi bằng cách đúc giữa các khối sáp thơm, để lẫn cùng với quần áo, đồ chơi trẻ em. Vụ việc được Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh và lực lượng chức năng mở rộng điều tra.
Mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh
Để đạt được những thành tích xuất sắc trên mặt trận phòng, chống ma tuý, không thể không nhắc tới sự mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh của lực lượng Hải quan Việt Nam trước những vụ việc có tính chất phức tạp.
Trong chuyên án HK668, ông Nguyễn Văn Lịch – khi đó đang đảm nhiệm chức vụ Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Trưởng Ban chuyên án cho biết, để theo dõi, điều tra, xác minh các hoạt động của đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia này, lực lượng hải quan đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả ngày, đêm với nhiều “vai” như xe ôm, chủ hàng, môi giới bất động sản…
Đặc biệt, ông Lịch còn nhấn mạnh đến sự tinh vi của các đối tượng. Các đối tượng ma túy rất manh động, hoạt động rất tinh vi, liên tục thay đổi địa bàn trên khắp các địa điểm từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, sử dụng các ứng dụng thông tin liên lạc công nghệ cao, gắn thiết bị định vị để theo dõi hàng. Trong khi đó, điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho công tác trinh sát của Chuyên án vẫn còn rất thiếu.
Trước tình hình đó, các chiến sỹ trinh sát phải rất linh hoạt và mưu trí trong hoạt động nghiệp vụ, khắc phục khó khăn và dám đương đầu đối diện với nguy hiểm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các lực lượng chức năng đánh giá đây là chuyên án điển hình về sự phối hợp giữa lực lượng Hải quan với các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy một cách nhịp nhàng, đồng bộ, có hiệu quả. Qua đó chúng ta thấy rõ sự mưu trí, dũng cảm, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ của các cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị trực tiếp tham gia phá án. Có thể khẳng định, chiến công này đã góp phần quan trọng vào công cuộc giữ vững an ninh, an toàn xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng nỗ lực không ngừng tăng cường trang bị các máy móc, thiết bị kĩ thuật hiện đại, nhằm hỗ trợ công tác đấu tranh triệt phá các đường dây ma tuý lớn, phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan đã mua sắm và đưa vào sử dụng 8 máy soi hành lý, 21 hệ thống camera giám sát hải quan và 15 máy phát hiện ma túy; ngoài ra, tiếp nhận và đưa vào sử dụng 4 máy quang phổ phát hiện hóa chất do Cơ quan Bảo vệ biên giới Anh trao tặng nhằm kiểm soát hàng hóa tại các địa bàn hoạt động của hải quan qua đường hàng không và cảng biển.
Cơ quan Hải quan cũng đang tổ chức thực nghiệm triển khai hệ thống barrie điện tử tại cảng Green Port thuộc quản lý của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng Khu vực 3.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tiến hành nâng cấp, bổ sung các chức năng của Hệ thống Seal định vị điện tử để đáp ứng công tác giám sát đối với hàng hóa chịu sự giám sát của hải quan vận chuyển bằng container.
Các loại trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống ma túy của ngành Hải quan bao gồm: Máy phát hiện ma túy, máy soi, va li thuốc thử, chó nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, ô tô (như xe gắn thiết bị chuyên dùng, xẻ chở huấn luyện viên và chở chó nghiệp vụ, xe kiểm tra, kiểm soát), phương tiện thông tin liên lạc, máy ghi âm ghi hình, hệ thống định vị, giám sát…
Lực lượng Hải quan luôn xác định chiến lược, mục tiêu và giải pháp ứng với lộ trình phù hợp về việc tăng cường trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ phục vụ công tác ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý vi phạm, tội phạm về ma túy, tiền chất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan.
Đồng thời, phát triển quan hệ hợp tác, phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các lực lượng chức năng trong xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm các điều kiện quan trọng, cần thiết (như mẫu chất ma túy, giảng viên có kinh nghiệm, kinh phí, giáo trình, chế độ chính sách…) nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ phát hiện ma túy.
Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng, tổ chức triển khai đồng bộ, bài bản các chương trình tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng khai thác, sử dụng trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống ma túy cho lực lượng chuyên trách.
Đồng thời, đẩy mạnh các kênh phối hợp, hợp tác trong và ngoài ngành, trong nước và quốc tế, đặc biệt là tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ hải quan các nước và tổ chức quốc tế thông qua những hoạt động như: Trao đổi chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật cho Hải quan Việt Nam nhằm tăng cường công tác kiểm soát phòng, chống ma túy của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu chia sẻ: “Trên hành trình triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy, lực lượng chức năng nhiều lần phải đối diện với sự nguy hiểm tính mạng khi đối tượng dùng lựu đạn, súng, vũ khí, chất nổ để chống trả. Với những chiến công lẫy lừng trên trận chiến chống ma túy, ngành Hải quan đã có nhiều tập thể, cá nhân vinh dự nhận được Thư khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng các hình thức khen thưởng cao quý khác”.
Phan Chinh
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)