Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa và trao bức trướng của UBND tỉnh cho Hiệp hội DN tỉnh nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa và trao bức trướng của UBND tỉnh cho Hiệp hội DN tỉnh nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam.

Lực lượng nòng cốt của nền kinh tế

Nhận thức rõ vai trò của giới doanh nhân, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong đó, Ðảng ta xác định đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đặt ra yêu cầu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho giới doanh nhân Việt Nam. Ngay sau khi thành lập nước, ngày 13/10/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho giới Công thương Việt Nam. Trong thư, Bác viết: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Trải qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta không ngừng phát triển về mọi mặt, trong đó doanh nghiệp - doanh nhân ngày càng khẳng định vai trò và vị thế của mình trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra các chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Thực hiện chủ trương lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, những năm qua Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực như: cơ chế chính sách, vốn, tài nguyên, đất đai... để đầu tư kinh doanh.

Đặc biệt, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, trong đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để tiếp tục nâng cao vị trí, vai trò và xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới.

Công ty TNHH Hoa Thăng Thanh Hóa (xã Thọ Dân).
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hoa Thăng Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Với tỉnh Thanh Hóa, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm, chiến lược của Đảng, Nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; trong suốt thời gian qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, cơ chế, chính sách, đề ra nhiều biện pháp, giải pháp thiết thực, hiệu quả để phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; đồng thời cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật để doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh yên tâm đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tăng cường chỉ đạo, điều hành, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng kịp thời tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều yếu tố tác động bất lợi từ chính trị, kinh tế thế giới.

Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra những mục tiêu phát triển: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước – một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Thanh Hóa là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”.

m
Lũy kế đến nay tỉnh Thanh Hoá có 34.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Thực hiện Nghị quyết số 41, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 173-KH/TU, ngày 30/11/2023; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND, ngày 12/01/2024 đề ra mục tiêu: “Phát triển đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, văn hóa, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, làm giàu chính đáng; có năng lực quản trị tiên tiến, trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhanh và bền vững, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đến năm 2030, hình thành một số DN lớn tầm cỡ trong nước và khu vực Đông Nam Á; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh, làm chủ một số chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp.

Từ một tỉnh có số lượng doanh nghiệp rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, đến nay Thanh Hoá đã có số lượng rất lớn các doanh nghiệp được thành lập, hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực. Với vai trò là mũi nhọn tiên phong trên mặt trận kinh tế, cộng đồng doanh nhân – doanh nghiệp đã đóng góp không nhỏ trên chặng đường đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới.

Trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 2.400 doanh nghiệp thành lập mới, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Lũy kế đến nay tỉnh Thanh Hoá có 34.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nằm trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Doanh nghiệp - trung tâm của sự phát triển

Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có trên 21 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 78 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, 112 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài và 20 nghìn doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá, trên lĩnh vực nào cũng ghi nhận dấu ấn và sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Nếu như năm 2018, toàn tỉnh mới có 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp dưới 60% vào GDP, nộp ngân sách chiếm gần 36%, thì đến nay đã có gần 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khu vực doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất trong quy mô nền kinh tế, với khoảng 65% GRDP của tỉnh; nộp ngân sách trên 17.000 tỷ đồng, chiếm khoảng trên 70% tổng thu ngân sách nội địa. Các doanh nghiệp Thanh Hóa đóng góp khoảng 65% tổng sản phẩm của tỉnh.

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh hiện đang tạo việc làm cho khoảng 430.000 lao động; nộp ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 đạt hơn 10.063 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng triệt để cơ hội để tạo ra của cải vật chất, tạo việc làm cho nhiều lao động, tích cực thực hiện công tác an sinh và tham gia giải quyết những vấn đề xã hội. Trước định hướng phát triển của tỉnh và yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ doanh nhân, chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết mình, xây dựng đội ngũ doanh nhân vừa có tâm, vừa có tầm, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh và phát triển bền vững, ngày càng có nhiều đóng góp hơn nữa cho xã hội và cho sự phát triển đi lên của tỉnh".

Những kết quả quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 12,46%, đứng thứ 2 cả nước; Thu ngân sách nhà nước ước đạt 42.695 tỷ đồng, vượt 20% dự toán và tăng 44,7% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và xếp thứ 7 cả nước; Giá trị xuất khẩu ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ; Đã thành lập mới 2.411 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và xếp thứ 8 cả nước.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Tổng Công ty CP Hợp Lực, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn.
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Tổng Công ty CP Hợp Lực, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lam Sơn.

Tại lễ tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2024 vừa được tổ chức vào ngày 11/10, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn đã khẳng định niềm tin tưởng: với truyền thống "Tâm - Tài - Trí - Tín", đội ngũ doanh nhân Thanh Hóa sẽ luôn bản lĩnh và kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững; cùng với cả tỉnh, xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng mong muốn và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân tỉnh nhà luôn nêu cao truyền thống cách mạng của quê hương Thanh Hóa, tiếp tục nỗ lực cố gắng, phấn đấu vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp, thượng tôn pháp luật, ra sức thi đua sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư; đồng thời tăng cường liên kết, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh Thanh Hoá và 6 DN.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh Thanh Hoá và 6 DN.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tuân thủ và thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tích cực tham gia các chương trình an sinh xã hội và các công việc chung của toàn tỉnh, vì một Thanh Hóa phát triển bền vững.

Với nhiệm vụ của cấp uỷ, chính quyền, nhất quán với quan điểm: Lấy “doanh nghiệp phát triển để làm động lực cho Thanh Hóa thịnh vượng”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Anh Nguyễn Văn Hiệu- Giám đốc Công ty TNHH MELATEC Thanh Hoá tích cực hưởng ứng chương trình hiến máu tình nguyện
Anh Nguyễn Văn Hiệu- Giám đốc Công ty TNHH MELATEC Thanh Hoá tích cực hưởng ứng chương trình hiến máu tình nguyện “Giọt hồng doanh nhân trẻ Thanh Hóa” 

Doanh nghiệp Thanh Hóa phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội

Không chỉ quan tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu nhập và nâng cao đời sống cho người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thanh Hóa còn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động an sinh xã hội. Chỉ tính riêng năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài tỉnh đã đóng góp gần 50 tỷ đồng vào Quỹ "Vì người nghèo" các cấp và gần 160 tỷ đồng thực hiện Chương trình an sinh xã hội, đã hỗ trợ làm 832 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, hàng trăm công trình dân sinh, hàng chục nghìn suất quà Tết và nhiều hoạt động giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công, các đối tượng Bảo trợ xã hội, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa…

đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hiền trao tiền hỗ trợ xây dựng cho gia đình khó khăn về nhà ở.
Đại diện Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hiền trao tiền hỗ trợ xây dựng cho gia đình khó khăn về nhà ở tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ngày 30/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22 về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024 - 2025, với mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/9/2025, toàn tỉnh có ít nhất 5.000 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, góp phần thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030. Thực hiện Chỉ thị này, thời gian qua, các doanh nghiệp- doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực hưởng ứng và tập trung triển khai để nhanh chóng hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tập đoàn Tiên Sơn luôn đồng hành với chính quyền các cấp làm công tác an sinh xã hội. Lần này hưởng ứng Chỉ thị 22 của Thường vụ Tỉnh ủy, Tiên Sơn chúng tôi rất phấn khởi vì đây là chủ trương đúng đắn để tạo cho các gia đình khó khăn để có ngôi nhà phù hợp". 

Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong 2 năm 2024-2025, tính đến ngày 8/10/2024, tổng kinh phí ủng hộ tiếp nhận về Ủy ban MTTQ 3 cấp (cấp tỉnh, huyện, xã) là trên 220 tỷ 292 triệu đồng. Trong đó: Cấp tỉnh: trên 55 tỷ đồng, cấp huyện và cấp xã là trên 165 tỷ 182 triệu đồng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa Lại Thế Nguyên bày tỏ sự trân trọng những nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong và ngoài tỉnh đã nhiệt thành hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Tính đến ngày 8/10/2024 đã có 19 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiến hành khởi công xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở. Tổng số là 884 nhà, trong đó xây dựng mới 778 nhà và sửa chữa 106 nhà.

Ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn
Ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn

Ông Nguyễn Duy Nở, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Là một cựu chiến binh, đồng thời là một doanh nhân, luôn biết ơn sâu sắc sự hy sinh của những người đã ngã xuống. Tôi luôn trăn trở phải làm gì để đền đáp công ơn các liệt sỹ, thương binh. Hàng năm, tôi luôn dành từ 400 đến 500 triệu đồng xây nhà tình nghĩa, phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh... coi đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của một doanh nhân.

Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, các cấp, các ngành, các địa phương đang nỗ lực đồng hành, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế... Chung tay cùng các cấp các ngành, bằng tình cảm và trách nhiệm, Xi măng Long Sơn đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội, trong đó tiêu biểu là việc tham gia Chương trình đưa đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống của tỉnh Thanh Hóa.

Công ty Xi măng Long Sơn ủng hộ 18 tỷ xây dựng nhà Đại đoàn kết
Công ty Xi măng Long Sơn ủng hộ 18 tỷ xây dựng nhà Đại đoàn kết

Từ chủ trương đến hành động, Xi măng Long Sơn đã ủng hộ 18 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo sinh sống trên sông nay di chuyển lên bờ, với mức hỗ trợ 50 triệu đồng 1 căn nhà. Số kinh phí trên đang được Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa chuyển đến kịp thời, đầy đủ theo quy định, góp phần giúp đỡ Nhân dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Được lên bờ, được cấp đất, hỗ trợ kinh phí làm nhà ở, không còn phải  “đêm lo ngày sợ” vào mùa bão; đặc biệt con cháu sẽ được tới trường học hành đầy đủ nên người dân rất phấn khởi .

Cùng với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông, chia sẻ với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở tại nhiều địa phương, trong những năm qua, Xi măng Long Sơn luôn quan tâm và phối hợp với các cấp, ngành và chính quyền các địa phương hỗ trợ xây dựng gần 500 căn nhà tình thương, nhà “khăn quàng đỏ”, nhà đại đoàn kết tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: Sóc Trăng, Ninh Bình, Long An, An Giang…góp phần tiếp thêm động lực để giúp những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở kiên cố, từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.

Công ty TNHH Tân Thành 1 ủng hộ
Công ty TNHH Tân Thành 1 ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3

Thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức tiếp nhận ủng hộ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Đến ngày 9/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ của 1029 lượt tổ chức, cá nhân, với số tiền ủng hộ là hơn 82,4 tỷ đồng. Trong đó có sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh việc ủng hộ tiền mặt, nhiều doanh nghiệp, đơn vị còn quyên góp hiện vật và có nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời các địa phương bị lũ lụt khắc phục hậu quả.

Từ ngày 10/9 đến 13/9, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Thanh Hoá đã tổ chức 2 đoàn vận chuyển hàng hoá tới các địa phương bị ảnh hưởng do bão lũ. Cùng với hàng hoá nhu yếu phẩm hỗ trợ cho người dân, hiệp hội đã vận động, chi viện cho các tỉnh thêm 7 thuyền viên có chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Ngay sau khi có mặt tại vùng lũ, các phương tiện và nhân lực từ Thanh Hoá đã trực tiếp cùng các lực lượng chức năng tại hiện trường tham gia công tác cứu người, cứu tài sản, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Đoàn cứu trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa mang theo xuống máy hỗ trợ nhu yếu phẩm đến tận tay đồng bào lũ lụt ở Yên Bái.
Đoàn cứu trợ của Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa mang theo xuống máy hỗ trợ nhu yếu phẩm đến tận tay đồng bào lũ lụt ở Yên Bái.

Với tinh thần "tương thân tương ái" cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ đồng bào đang bị thiệt hại do sạt lở, lũ lụt sau cơn bão số 3 tại các tỉnh phía Bắc, Hiệp Hội Doanh nghiệp huyện Hoằng Hoá cũng đã vận động kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ được hơn 300 triệu đồng tiền mặt, cùng nhiều loại hàng hoá thiết yếu, thuốc men… Hiệp hội cũng đã tổ chức 2 chuyến xe thiện nguyện khởi hành từ Thanh Hoá đến Lào Cai - là nơi chịu thiệt hại nặng nề sau bão, nơi hàng nghìn người dân đang cần hỗ trợ khẩn cấp. Những món quà được trao tận tay người dân là tình cảm nồng ấm của doanh nhân, doanh nghiệp huyện Hoằng Hoá, mong muốn chia sẻ gánh nặng với người dân Lào Cai, vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống…

Nhiều doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá tuy không tận tay đem những phần quà đến trao cho người dân vùng lũ, nhưng tình cảm, sự sẻ chia, tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau lúc gian khó của cộng đồng doanh nhân Thanh Hoá đã và đang lan toả đến trái tim của hàng triệu đồng bào vùng lũ.

Đoàn trao các nhu yếu phẩm tới chính quyền xã Thành Trực (Thạch Thành) để hỗ trợ bà con.
Ngày 13/9, Hiệp hội DN TP. Thanh Hóa tổ chức đoàn cứu trợ vận chuyển áo phao, các nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con vùng bị ảnh hưởng ngập lụt, chia cắt tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa

Tự lực, tự cường, tự hoàn thiện và thích nghi để đương đầu với những khó khăn, thách thức, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều tư duy đổi mới, sáng tạo trong việc quản trị doanh nghiệp nhằm từng bước khẳng định uy tín, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.  

Không hiếm các doanh nhân đã dần chuyển hướng vào công nghệ, sáng tạo, tham gia các ngành kinh tế, mô hình kinh doanh mới, nắm bắt và làm chủ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả, sức cạnh tranh cho nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều sản phẩm hàng hóa dịch vụ mang thương hiệu Việt đã vươn ra thị trường toàn cầu, khẳng định được thương hiệu Việt vươn tầm khu vực và thế giới. Từ đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tăng thu ngân sách cho địa phương và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Lê Nam- Hoài Thu