Theo thông tin ban đầu, khoảng 13h30, ngày 13/10, 3 thanh niên sau khi ăn nhậu đã xuống sông tắm ở khu vực gần cầu Đại Quay thuộc xã Hà Lâm. 3 người rủ nhau thi bơi qua sông nhưng do trời đang mưa lớn, nước từ thượng nguồn chảy xiết và dâng cao, dẫn đến việc một người bị nước cuốn trôi.
Thanh niên mất tích được xác định là Nguyễn Quốc V (19 tuổi, trú xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). 2 thanh niên còn lại bơi vào bờ an toàn.
Nhận được tin báo, cơ quan chức năng huyện Đạ Huoai nhanh chóng có mặt tại hiện trường, huy động lực lượng để triển khai tìm kiếm nạn nhân dọc theo dòng sông về phía hạ nguồn. Tuy nhiên, do nước sông đang dâng cao nên việc tìm kiếm, cứu nạn đang gặp nhiều khó khăn. Đến nay nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra tình trạng mưa lớn gây ra ngập lụt, sạt lở kéo dài.
Trước đó, vào ngày 25/9, tuyến đường 721 nối 3 huyện của tỉnh Lâm Đồng với huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã bị sạt lở nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cơ quan chức năng hiện đã khoanh vùng cảnh báo.
Vào ngày 8/10, một trận mưa lớn kéo dài xảy ra trên địa bàn xã Ninh Gia (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) đã gây ngập một số nhà dân cùng nhiều tài sản, diện tích hoa màu.
Mưa lớn cũng khiến Quốc lộ 20, đoạn qua xã Ninh Gia và xã Tam Bố bị ngập gần nửa mét. Do đoạn đường bị ngập dài nên các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn, giao thông bị ùn ứ cục bộ.
Trước tình hình sạt lở đất đai diễn ra phức tạp, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu, các sở, ngành, địa phương chủ động, tập trung triển khai các phương án, giải pháp phòng ngừa sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt là việc yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ; rà soát các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường có thể xảy ra; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực sông, suối, sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân; thực hiện nghiêm túc việc trực ban 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo, xử lý và ứng phó có hiệu quả các tình huống do thiên tai gây ra.
Sông Trường (t/h)