Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt tại tỉnh và đi đầu trong nội địa hóa sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lượng
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam là một trong những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên có mặt tại tỉnh và đi đầu trong nội địa hóa sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (Phúc Yên) là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên có mặt tại tỉnh và đi đầu trong hoạt động nội địa hóa.

Trong gần 3 thập kỷ đầu tư vào tỉnh, công ty luôn giữ vị trí dẫn đầu doanh số sản xuất trên thị trường ô tô Việt Nam với 67 đại lý đặt tại 31 tỉnh, thành trên cả nước.

Hiện, công ty có 60 nhà cung cấp linh kiện, trong đó có 13 nhà cung cấp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với gần 1.000 sản phẩm nội địa hóa.

Nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải, xây dựng lối sống tiêu dùng xanh, công ty đã cử các chuyên gia hàng đầu hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến phương pháp quản trị sản xuất, thúc đẩy phong trào "5S" trong doanh nghiệp.

Năm 2024, công ty đã chuẩn bị nhiều phương án, tuyển dụng thêm lao động, dịch chuyển đội ngũ chuyên gia từ Hà Nội về Vĩnh Phúc, nghiên cứu, giới thiệu các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hơn 2 thập kỷ đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức (Bình Xuyên) nhận thức rõ sự đổi mới và thích nghi là "chìa khóa" cho sự tồn tại và phát triển bền vững.

Nỗ lực chuyển mình, đổi mới, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nỗ lực chuyển mình, đổi mới, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo đó, đơn vị đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất ống thép, tôn cán nguội, tôn mạ kẽm hiện đại nhằm tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Đi cùng với đó là các hoạt động quản lý và sản xuất được thực hiện theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và chương trình cải tiến "5S" trong sản xuất của Nhật Bản.

Các sản phẩm của Thép Việt Đức sản xuất ra đều theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; được xuất khẩu sang các nước trong khu vực châu Á, Bắc Mỹ và Canada; doanh thu đạt gần 14.000 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

Nỗ lực chuyển mình, đổi mới, khẳng định vị trí top 4 doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ ống thép trong nước lớn nhất tại Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, đặc biệt năm 2020 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới".

Kiên định với phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, "Doanh nghiệp giàu - Vĩnh Phúc phát triển", thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những khó khăn được đánh giá là “chưa có tiền lệ”, để phát triển, các doanh nghiệp phải tận dụng tốt những cơ hội mà các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại. Các doanh nhân, doanh nghiệp đã chủ động thay đổi tư duy, không ngừng đổi mới, đầu tư máy móc hiện đại, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhờ đó có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô; cơ cấu, lĩnh vực hoạt động chuyển biến tích cực, phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh được nâng lên.

Nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và của cộng đồng doanh nghiệp sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới, hiện, tình hình kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phục hồi tích cực.

9 tháng năm 2024, các chỉ số kinh tế vĩ mô như thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư và kim ngạch xuất nhập khẩu của Vĩnh Phúc đều ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử trong và ngoài nước đã tìm hiểu môi trường đầu tư, bất động sản công nghiệp và có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết "Net Zero", đầu tư xanh với tỉnh Vĩnh Phúc như Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam; Tổ hợp Samsung Việt Nam, Signetics Hàn Quốc và một số nhà đầu tư khác như Tập đoàn Sojitz, Sumitomo (Nhật Bản)... phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương.

Điều này không chỉ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Vĩnh Phúc và các đối tác mà còn kỳ vọng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và các nhà đầu tư chiến lược sẽ lựa chọn Vĩnh Phúc là điểm đến đầu tư trong thời gian tới.

Góp phần xây dựng Vĩnh Phúc giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm với người lao động và cộng đồng; phát huy vai trò xung kích, đi đầu, năng động, không ngừng đổi mới sáng tạo, vì sự phát triển bền vững.

Theo báo Vĩnh Phúc