Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Trần Hữu Linh
Hiện nay, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (GLTM) vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng QLTT, đã chủ động bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Kết quả công tác đạt được, đã góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh - chính trị, KT-XH, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách, được xã hội, cộng đồng ghi nhận, ủng hộ.
Theo báo cáo của Văn phòng thường trực BCĐ 389/QG, lũy kế 10 tháng năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 207.846 vụ việc vi phạm (tăng 15% so cùng kỳ 2017), thu nộp NSNN đạt gần 17.000 tỷ đồng (bằng 96% so cùng kỳ 2017), khởi tố 1.310 vụ (bằng 80% so cùng kỳ 2017), 1.480 đối tượng (bằng 70% so cùng kỳ 2017).
Riêng lực lượng QLTT, từ đầu năm 2018 đến nay, đã phát hiện, xử lý trên 100.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách gần 400 tỷ đồng.
Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra. Hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, do nhiều nguyên nhân.
Phương thức thủ đoạn của đối tượng luôn thay đổi để đối phó với các lực lượng chức năng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Trong khi lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, chống buôn lậu, hàng giả và GLTM còn mỏng; kinh phí hạn hẹp, trang thiết bị, phương tiện thiếu và lạc hậu. Vai trò chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Một số công chức còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, thậm chí có sai phạm trong thực thi công vụ.
Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong và ngoài địa bàn chưa đồng bộ, một số nơi còn mang tính cục bộ. Việc nhận thức thực hiện quy chế phối hợp của các lực lượng ở một số nơi còn mang tính hình thức, phối hợp chưa chặt chẽ, chưa thật sự đi vào nền nếp.
Hệ thống các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả còn bất cập, sơ hở, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh và xử lý vi phạm.
Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ở một số địa bàn chưa có chiều sâu, thiếu thường xuyên. Tình trạng quần chúng ở khu vực sát biên giới tham gia buôn lậu, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn phức tạp. Nhận thức của một bộ phận người dân và DN về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế.
Dự báo, hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Theo ông, đâu là giải pháp để đấu tranh, đẩy lùi vấn nạn này?
Để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi NTD, Tổng cục QLTT đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm.
Trước hết, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389/QG và Bộ Công thương về công tác phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc NQ số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, QĐ số 05/QĐ-BCĐ389, ngày 23/9/2015 về đấu tranh phòng chống buôn lậu trong tình hình mới, Chỉ thị số 30/CT-TTg, ngày 30/9/2014, Công điện số 229/CĐ-BCĐ389, ngày 15/6/2018 về tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu mặt hàng thuốc lá, xì gà, Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19/6/2018, Kế hoạch 11/KH-BCĐ389 ngày 8/8/2018 triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Xây dựng và triển khai Kế hoạch cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2019.
Thông qua thực tiễn kiểm tra, xử lý vi phạm, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ký cam kết không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại trên thị trường.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATTP. Đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các DN, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT đạt hiệu quả.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, tổng hợp báo cáo nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để nhanh chóng ổn định tổ chức và hoạt động của QLTT. Qua đó, tập trung lực lượng vào công tác đấu tranh phòng chống và xử lý vi phạm về buôn lậu, GLTM và hàng giả trong thời gian tới.
Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho công chức, người lao động trong toàn lực lượng; đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức trong kiểm tra, kiểm soát thị trường để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa vi phạm
Việc thành lập Tổng cục QLTT có xuất phát từ tình hình thực tiễn và bộ máy mới của Tổng cục sẽ được tổ chức như thế nào, lộ trình hoạt động ra sao, thưa ông?
Có thể nói, mô hình tổ chức lực lượng QLTT theo cấu trúc ngang, bao gồm 63 chi cục thuộc sở công thương các tỉnh/TP và cục QLTT tại Bộ Công thương được duy trì hơn 60 năm qua - đã góp phần ổn định thị trường nội địa, xử lý các hành vi vi phạm GLTM.
Tuy nhiên, có thể thấy, các hành vi vi phạm những năm gần đây đã phát triển ở mức độ tinh vi, phức tạp hơn. GLTM giờ đây không chỉ ở một địa bàn cục bộ cấp xã, huyện, tỉnh, mà có phạm vi rộng hơn, liên tỉnh, liên vùng.
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ thông tin, Internet, mạng xã hội, thương mại điện tử giờ đây đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém phẩm chất mà các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và xử lý.
Cách tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình cũ bị giới hạn và chia cắt theo địa phương, đã không còn theo kịp nhu cầu quản lý.
Chính vì vậy, việc tổ chức lực lượng QLTT theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bao gồm các cục ở địa phương trực thuộc Tổng cục QLTT (Bộ Công thương) - sẽ đáp ứng đòi hỏi trong bối cảnh mới. Mô hình tổ chức theo ngành dọc sẽ góp phần bảo đảm phát huy sức mạnh, hiệu quả hoạt động của lực lượng QLTT theo những mặt sau.
Khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính trong chỉ đạo điều hành của lực lượng hiện nay; công tác chỉ đạo, quản lý sẽ được tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.
Trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả và GLTM trên thị trường nội địa, lực lượng QLTT giữ vai trò chủ công, thường xuyên phải phối hợp nhiều lực lượng như: công an, biên phòng, hải quan, thuế. Các lực lượng này đã được tổ chức theo hệ thống ngành dọc, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Vì thế, mô hình Tổng cục QLTT với 63 cục ở địa phương - sẽ giúp cho công tác phối hợp giữa lực lượng QLTT với các lực lượng khác không bị đứt đoạn; sự đồng bộ này sẽ giúp thống nhất liên thông giữa cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong xử lý đấu tranh với các hành vi vi phạm, bảo đảm hiệu quả trong công tác phối hợp.
Với mô hình tổ chức lực lượng QLTT mới, Bộ Công thương sẽ tập trung đẩy mạnh và đổi mới phương thức hoạt động, cách thức tổ chức thanh tra, kiểm soát thị trường để đạt hiệu quả cao hơn.
Trước mắt, sẽ ổn định tổ chức của lực lượng QLTT để không làm gián đoạn hoạt động chuyên môn ở 63 địa phương.
Điểm nổi bật đó là ngay từ ngày chính thức đi vào hoạt động, Tổng cục QLTT đã giảm được 162 đội QLTT ở địa phương theo hướng sắp xếp, sáp nhập các đội QLTT cấp huyện thành các đội QLTT liên huyện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trước ngày 12/10/2018, cả nước có 681 đội QLTT, từ ngày 12/10/2018 chỉ còn 519 đội…
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Kiên (Thực hiện)