Từ tôn vinh đến khát vọng phồn thịnh - Hình 1

Tại đền Quả Sơn, xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nơi thờ Lý Nhật Quang, người con thư 8 của Lý Thái Tổ, Tri chấu Nghệ An đầu thế kỷ 11 cũng có thờ hạt Lúa Thần, lớn như quả dưa chục kg. Khách đến vãn cảnh chùa được thấy hình bóng hạt lúa ấy bằng hạt lúa chế tác bằng khúc cây được mã vàng, do đại tá tiến sĩ khoa học Cao Tiến Huỳnh cúng tiến.

Hai hạt Lúa Thần ấy biểu thị nước ta có khí hậu, đất đai hợp với nghề nông trồng lúa nước. Từ xa xưa nhân dân rất trân trọng Thần Nông và gắn bó với hình ảnh “trên đồng cạn, dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Chính Vua Lê Đại Hành sau khi lên ngôi, đánh đuổi quân Tống xâm lược lần thứ nhất, dù là xuất thân từ chiến trận, quen việc binh đao, nhưng không vì thế mà Ngài quên "dĩ nông vi bản" (coi nông nghiệp là gốc). Mùa xuân năm Đinh Hợi (987), vua trút bỏ bộ long bào bước xuống cày ruộng tịch điền ở núi Đọi. Tục cày ruộng tịch điền ấy được sử thần Ngô Sĩ Liên thời Lê sơ ngợi khen: "Tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương, trên thì để cúng tôn miếu, dưới thì để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến của giàu dân đông, nên thay!". Vua Minh Mạng thời Nguyễn đầu thế kỷ 19, sau khi cày ruộng tịch điền đã cảm tác bằng thơ: “Bỉnh lỗi tam thôi than vị quyện / Tùng canh cửu phản hãn như tương / Nhân tư cần khổ lao thiên mẫu”. (Ta cày ba đường đã thấm mệt. Quan cày chín đường mồ hôi đã đầm đìa. Từ đó mới biết người nông phu nhọc nhằn như thế nào khi cày hàng ngàn mẫu ruộng). Do vậy, vua tìm đủ cách để khuyến nông.

Ước mơ và công lao của các vị tiên đế và bà con nông dân ta bốn nghìn năm nay, giờ đây được khoa học kỹ thuật chắp cánh. GS Trần Đăng Xuân mới đây cho biết, kỹ thuật "đột biến hô hấp" thành công thì cho phép chỉ trong vài chục năm sau các giống lúa cao như cây lau, sậy, chống chịu tốt với sâu bệnh, thời tiết... sẽ xuất hiện trên ruộng đồng Việt Nam, năng suất sẽ đạt tới 30 tấn/ha hoặc hơn, dẫn tới mỗi năm sản xuất đến 150 - 200 triệu tấn gạo, tăng ít nhất 5 - 6 lần so với tổng sản lượng năm 2017 là 27 triệu tấn. GS cho biết thông báo thêm: Các thí nghiệm được nhóm nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản sử dụng loại hóa chất thông thường N-methyl-N-nitrosourea (gọi tắt là MNU) gây tác động đột biến trong khoảng 3 đến 6 tháng, cho phép lai đồng thời nhiều giống lúa nhằm tạo ra một giống mới có gene quý theo chủ đích. Phương pháp "đột biến hô hấp" đã thành công khi lai tạo trên lúa hoang và lúa thuần của Việt Nam, hứa hẹn tạo nên các dòng mang các đặc tính quý (chống chịu sâu bệnh, chịu ít hơn ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mang nhiều hợp chất quý...) của lúa hoang chỉ trong thời gian ngắn... 

Từ tôn vinh đến nảy sinh khát vọng tiến bộ là vậy. Do tôn vinh hạt Lúa Thần mà dân ta no đủ lại còn thừa gạo để chung sức nuôi nhân loại; do chăm lo bảo vệ đất nước mà từ một Thánh Gióng dẫn đến dân ta xuất hiện một lúc cả triệu Thánh Gióng; do mong mỏi có đôi hia bảy dặm mà ta đã có dường bay quanh trái đất, từ mình sang Mỹ rồi từ Mỹ về mình, lại còn chế tạo và phong vệ tinh thăm dò vũ trụ phục vụ đời sống con người ở mặt đất. Thời đại công nghệ 4.0 hẳn còn nhiều điều kỳ diệu sẽ xuất hiện trên đấtt nước yêu quý của chúng ta như hạt Lúa Thần.

                                                         Dương Quang Minh