Tăng cường rà soát các tuyến đê bao
Tăng cường rà soát các tuyến đê bao (Ảnh: KT)

Theo đó, để bảo đảm an toàn diện tích sản xuất, các công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi, đê điều, giao thông và các khu dân cư có địa hình trũng thấp; đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng của người dân, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1924/CT-UBND ngày 27/6/2024 của UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024; huy động lực lượng thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban, theo dõi chặt chẽ, nắm bắt diễn biến từng loại hình thời tiết, thiên tai để tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Đảm bảo thông tin được truyền tải đến từng ấp, khu phố và người dân; từ đó có phương án chủ động úng phó kịp thời, hiệu quả với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, đặc biệt là trường hợp mưa, bão, lũ kết hợp triều cường cộng hưởng với xả lũ hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa… tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã thành phố thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng, thủy văn từ các trang thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... nhằm kịp thời nắm bắt thông tin nhằm tuyên truyền, phổ biến đến người dân để đưa ra các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó. Đặc biệt, là trong thời gian diễn ra lũ, mưa lớn và triều cường tháng 10, 11 sắp tới.

Tăng cường huy động các lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã tổ chức tuần tra, kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao, các cống đầu mối, trạm bơm tiêu chống ngập trên địa bàn quản lý; xác định các vị trí bị hư hỏng, rò rỉ, các trọng điểm, xung yếu đê điều và triển khai phương án bảo vệ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời phát hiện và xử lý ngay khi có sự cố xảy ra; xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực để thực hiện gia cố các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, cao trình thấp không đảm bảo ngăn lũ, triều cường; không để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê gây ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Đối với các huyện vùng Đồng Tháp Mười: Chỉ đạo các phòng ban chủ động phối hợp với UBND các xã tổ chức kiểm tra, khoanh vùng, xác định cụ thể diện tích sản xuất nằm ngoài các đê bao, bờ bao, khu vực chưa có đê bao bảo vệ hoặc bờ bao chưa khép kín có nguy cơ xảy ra ngập úng để có giải pháp tổ chức sản xuất phù hợp; bảo vệ an toàn, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ, ngập úng gây ra.

Đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ xuống giống vụ lúa Thu Đông ở những vùng có đê bao, bờ bao bảo vệ đủ cao trình chống lũ; không xuống giống ở những khu vực ngoài đê bao hoặc đê bao có cao trình thấp, đê bao chưa khép kín. Đối với các diện tích đất không sản xuất lúa Thu Đông, sau khi thu hoạch lúa Hè Thu, tiến hành tháo lũ vào nội đồng để vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ sâu hại và lấy phù sa.

Đối với các huyện: Thạnh Hóa, Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa tổ chức rà soát, khoanh vùng diện tích sản xuất vùng chanh, cây ăn trái, cây trồng có giá trị kinh tế cao,…thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát và khẩn trương xử lý, gia cố, nâng cao trình các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, khu vực trũng, thấp đảm bảo chống lũ cộng hưởng triều cường dâng cao kết hợp Hồ Dầu Tiếng xả tràn lũ.

Đối với các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ chỉ đạo cấp xã sẵn sàng huy động, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, bờ bao xung yếu, có cao trình thấp không đảm bảo ngăn triều, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở để kịp thời xử lý gia cố, tôn cao, tránh để xảy ra sự cố tràn đê, vỡ đê đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Triển khai cắm các biển cảnh báo ngập sâu, sạt lở nguy hiểm và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt tại các khu vực xung yếu; bố trí lực lượng phân luồng giao thông hợp lý tại các đoạn đường có khả năng bị ngập sâu nhất là khu vực dân cư, khu vực ven sông, kênh, rạch; đồng thời chủ động vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân.

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và dự báo tình hình nguồn nước của cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2024, mực nước lũ ở thượng nguồn mặc dù không lớn nhưng dưới tác động của các đợt triều cường tăng cao ở các tháng 10, 11 kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về và mưa nội đồng có thể gây ra tình trạng ngập úng một số khu vực trũng thấp.

Thuận Yến (t/h)