“Địa chỉ đỏ” đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề

Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc), tiền thân là trường Công nhân kỹ thuật Điện, được thành lập ngày 18/9/1967 trực thuộc Cục Điện lực - Bộ Công nghiệp nặng. Ngày đầu mới thành lập, trường có trên 30 cán bộ, giáo viên; cơ sở vật chất, thiết bị hết sức nghèo nàn nhưng thầy và trò nhà trường đã cố gắng vượt mọi khó khăn, làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Điện.

Hiện nay, cơ cấu tổ chức của nhà trường được kiện toàn và tổ chức tinh gọn với 07 đơn vị cơ sở gồm 03 phòng, 02 khoa và 02 trung tâm. Đội ngũ cán bộ giáo viên được đào tạo bài bản, trình độ giảng viên không ngừng được nâng cao.

Cơ sở vật chất được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư hàng chục nghìn m2, diện tích nhà cao tầng khang trang, nơi làm việc của cán bộ, giáo viên, công nhân viên, ký túc xá học sinh, sinh viên, giảng đường, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành… tạo điều kiện tốt nhất để thầy và trò nhà trường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đổi mới.

Nhiệm vụ của nhà trường là tổ chức đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo quy định nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức, có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động, tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn; Tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, phê duyệt hoặc thực hiện các chương trình giáo dục và đào tạo đối với ngành nghề được phép đào tạo; Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh đào tạo; Tổ chức các hoạt động đào tạo, kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ sơ cấp theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội; Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình người học trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động tài chính.

Hệ thống thao trường công nghệ cao
Ngoài thao trường.

Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc đào tạo theo 03 cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp với các chuyên ngành Hệ thống điện, Quản lý vận hành, Sửa chữa đường dây và trạm biến áp, Đo lường điện, Thí nghiệm điện, Vận hành nhà máy thủy điện, Vận hành nhà máy nhiệt điện, Quản lý kinh doanh điện, Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp, Điện công nghiệp. Có 25 chương trình đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn (Quản lý vận hành trạm biến áp, Thi công cáp ngầm, Điện dân dụng, Sửa chữa máy biến áp, Kiểm tra và phát hiện vi phạm sử dụng điện, Văn hóa trong doanh nghiệp…). Có các chuyên ngành nhà trường liên kết đào tạo liên thông đại học như Hệ thống điện, Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử.

Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo ngắn hạn, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hàng năm, nhà trường tổ chức đổi mới phương pháp đào tạo, rà soát, hiệu chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo. Biên soạn chương trình, giáo trình An toàn lao động, vệ sinh lao động theo nghị định 44/2016 NĐCP. Với các nghề đào tạo ngắn hạn ở trình độ sơ cấp, nhà trường bổ sung điều chỉnh theo yêu cầu và đơn đặt hàng đào tạo công nhân ở các đơn vị sản xuất. Do đặc thù là trường dạy nghề nên nhà trường chủ yếu tập trung vào tìm tòi, thử nghiệm các phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, thiết kế đồ dùng, thiết bị giảng dạy và thực hành.

Để đáp ứng yêu cầu độ tin cậy cung cấp điện và định hướng phát triển của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, từ năm 2018, nhà trường được Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giảng viên các lĩnh vực chuyên môn nghề sửa chữa hotline lưới điện trung thế 22kV, vệ sinh cách điện lưới điện đang mang điện bằng nước áp lực cao, lắp đặt quản lý vận hành hệ thống điện năng lượng mặt trời…

Thi sửa chữa hotline
Thi sửa chữa hotline.

Các sản phẩm thực tập của học sinh, sinh viên đã được gắn với thực tế tạo ra sản phẩm phục vụ cho yêu cầu, nhiệm vụ nhà trường như: Học sinh, sinh viên tham gia thực tập thi công cải tạo hệ thống điện hạ áp, đi thực hành lắp đặt hòm công tơ và xóa bán tổng tại các đơn vị thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Tổng công ty Điện lực miền Bắc…

Ngoài các lớp đào tạo dài hạn tại hai cơ sở, nhà trường còn trực tiếp mở lớp giảng dạy nâng cao trình độ, đào tạo lại ở hầu hết công ty điện lực khu vực miền Bắc từ Lai Châu, Sơn La đến Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nhà trường đã mở thêm các lớp bồi dưỡng nâng bậc thợ, bồi huấn thực tập sản xuất, đào tạo các đơn vị ngoài ngành như Nhà máy cơ điện Trần Phú, Công ty Toyota, Công ty công trình hàng không, Tổng công ty Giao thông vận tải, Công ty xây lắp điện 1, Nhà máy nhiệt điện Na Dương, nhiệt Thái Nguyên thuộc Tổng công ty Than Việt Nam…

Trải qua nhiều thăng trầm và thách thức, nhà trường từng bước vượt qua khó khăn để đào tạo hơn 50 nghìn học sinh, sinh viên chất lượng cao; đào tạo lại hơn 15 nghìn học viên đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều học sinh, sinh viên của trường được các Công ty điện lực, doanh nghiệp tiếp nhận, đánh giá cao về trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp, trong đó có những học sinh của trường đang nắm giữ các vị trí chủ chốt, quan trọng của các đơn vị trong và ngoài ngành Điện lực Việt Nam.

Ngoài giáo dục chuyên môn, việc giáo dục đạo đức học sinh, sinh viên cũng được nhà trường chú ý tăng cường. Các hoạt động giáo dục đạo đức, giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống, tác phong công nghiệp, tính tập thể, tình yêu thương được coi trọng.

Công tác Xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường luôn được quan tâm, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ chính trị của trường, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tăng cường giáo dục thể chất cho các em sinh viên, hướng các em vào các hoạt động có ý nghĩa cũng luôn được nhà trường chú trọng.

Việc chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên được nhà trường tăng cường như: Chăm lo vật chất, tổ chức đời sống tinh thần, tổ chức các giải thể thao, văn hóa văn nghệ nhằm tăng cường sự đồng thuận, thống nhất trong nhà trường…

Vì nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thời đại

PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc
PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc.

PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho biết:

Trường thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc nên về cơ bản, nhiệm vụ đào tạo và đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ công nhân viên của Tổng công ty là nhiệm vụ chính. Vì thế, hàng năm, nhà trường nhận kế hoạch đào tạo, thống nhất trong Tổng công ty và tổ chức triển khai. Về cơ bản, tất cả các hoạt động đào tạo nội bộ, nâng bậc, giữ bậc, nâng cao chuyên môn của người lao động do nhà trường đảm nhận. Ngoài ra, nhà trường còn đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực là công nhân kỹ thuật cho các công ty điện lực (hiện nay, nhà trường duy trì hàng năm tuyển sinh khoảng 300-400 tương ứng với nhu cầu tuyển dụng của các công ty điện lực). Hơn nữa, trong chủ trương chung là phát triển Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao của miền Bắc nói riêng và tiến tới là của toàn Việt Nam nói chung, nhà trường kỳ vọng tiếp tục mở rộng các hoạt động đào tạo và đào tạo lại sang các đơn vị của ngành điện khu vực, trước tiên là phía Bắc, sau đó là mở rộng ra cả nước.

Hiện nay, tất cả các chương trình đào tạo gắn với chuyển đổi số hoặc công nghệ cao, nhà trường đang cố gắng, nỗ lực để theo kịp ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành điện. Trong chiến lược phát triển chung của nhà trường, tất cả các kế hoạch đầu tư đều hướng đến việc đảm bảo đủ cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo, đáp ứng những đòi hỏi của khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất kinh doanh hiện nay.

Ngành điện là một ngành đặc thù nên trường có một hệ thống thao trường có thể nói là tốt nhất ở khu vực phía Bắc. Điều đó cho phép trường thực hiện việc đào tạo thực hành rất tốt, các đội ngũ công nhân hoặc đội ngũ đã là cán bộ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc khi thực hành và thực hiện các bài thi nâng bậc, giữ bậc có hệ thống thao trường đáp ứng tốt yêu cầu. Hiện nay, trong chủ trương hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nhà trường cũng liên tục tăng cường đầu tư các hệ thống thao trường công nghệ cao phục vụ tốt cho hoạt động đào tạo và đáp ứng những đòi hỏi của Tổng công ty Điện lực miền Bắc liên quan đến hoạt động đào tạo và đào tạo lại.

Hoạt động của nhà trường có đào tạo ngắn hạn và đào tạo dài hạn. Riêng đào tạo ngắn hạn, trường đã có nguyên một trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng về an toàn. Trung tâm này cung cấp các khóa đào tạo cho 27 đơn vị điện lực và nhiều hơn là những đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực miền Bắc với các khóa về an toàn. Đối với đào tạo dài hạn, huấn luyện an toàn cũng được nhà trường rất quan tâm vì đây là lĩnh vực rất đặc thù và là một đòi hỏi cao đối với các cán bộ công nhân viên ngành điện, PGS. TS Bùi Xuân Hồi cho hay.

Chia sẻ về công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của nhà trường và sự phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Bắc, ông Nguyễn Khánh Hưng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc cho biết:

Đây là một trong những lĩnh vực rất quan trọng, bởi Tổng công ty Điện lực miền Bắc quản lý 27 công ty điện lực trải dài ở khu vực phía Bắc và 3 tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Với địa bàn quản lý rất rộng, nhiều hình thái khác nhau nên công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đòi hỏi đảm bảo chất lượng, điều kiện an toàn cho người lao động rất quan trọng. Xác định được vấn đề đó, từ năm 2015, Tổng công ty đã có nhiều chương trình phối hợp với nhà trường để triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động cho các nhóm, đối tượng người lao động - trước đây là theo thông tư 27/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, từ năm 2016 thực hiện theo quy định của Nghị định số 44 ban hành ngày 15/05/2016 về công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.

Đối với công tác huấn luyện này, Tổng công ty cũng có phân cấp và có quy định các nhóm đối tượng sẽ huấn luyện theo hình thức khác nhau. Đối với nhóm lãnh đạo là người lao động nhóm 1, là người sử dụng lao động, nhóm 2 là nhóm chuyên trách về an toàn, các kỹ thuật viên an toàn các điện lực, Tổng công ty sẽ triển khai huấn luyện tập trung tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc và cứ định kỳ 2 năm 1 lần, Tổng công ty có văn bản triệu tập các nhóm đối tượng này về trường để huấn luyện. Đối với các cán bộ lãnh đạo và cán bộ an toàn, Tổng công ty cũng tập trung vào huấn luyện với các nhóm các vấn đề về chế độ chính sách pháp luật liên quan đến quản lý lao động, quản trị rủi ro và các công tác liên quan đến quản lý an toàn của Tổng công ty. Với các nhóm đối tượng từ nhóm 3 đến nhóm 6, Tổng công ty phân cấp và giao nhiệm vụ cho các công ty điện lực phối hợp với Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc để triển khai huấn luyện an toàn vệ sinh lao động trực tiếp tại các đơn vị.

Đây là nhóm đối tượng trong đó đa phần làm trực tiếp ngoài hiện trường nên đòi hỏi đào tạo kiến thức về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, các nguy cơ tai nạn điện, các nguy cơ tại nạn ngã cao, nhận diện các mối nguy và đánh giá rủi ro trực tiếp ở ngoài hiện trường - đây là một vấn đề rất quan trọng mà các công ty điện lực cũng đã phối hợp với nhà trường triển khai huấn luyện trực tiếp ở hiện trường, ở các đơn vị.

Từ đó, sẽ tạo điều kiện trao đổi, rèn luyện kỹ năng cho người lao động trực tiếp, phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay. Với các nhóm đối tượng này, các công ty đã triển khai đúng quy định huấn luyện định kỳ và phối hợp với nhà trường triển khai tốt các điều kiện. Vấn đề an toàn lao động của Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã có hiệu quả rất tốt, tình hình tai nạn lao động đã giảm rất nhiều.

Ông Đặng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học kỹ thuật điện - Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc chia sẻ:

Từ 2017, trường chuyển về trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, tất cả các chương trình đào tạo của Tổng công ty đều đưa về nhà trường thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cũng như kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ công nhân viên các đơn vị trong Tổng công ty. Có thể kể đến các chương trình: Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, thí nghiệm điện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ công nhân viên… Hàng năm, Tổng công ty tổ chức rất nhiều lớp tại trường, về cơ bản, các chương trình đào tạo của nhà trường đã đáp ứng được, phục vụ cho công tác sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Điện lực miền Bắc.

Hàng năm, nhà trường cố gắng nâng cao chất lượng đào tạo cho đội ngũ cán bộ công nhân viên ngành điện, nhất là những người làm việc trực tiếp trên đường dây. Qua lớp đào tạo, người lao động được nâng cao về kiến thức chuyên môn cũng như công tác an toàn vệ sinh khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại các đơn vị. Tổng công ty đánh giá rất cao về công tác đào tạo của nhà trường, đặc biệt là công tác nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân đang làm việc trực tiếp trên lưới điện.

Nhà trường cũng chú trọng đưa vào chương trình đào tạo nội dung sử dụng các thiết bị điện thông minh, công nghệ mới trực tiếp giảng dạy cho người lao động nhằm thích ứng nhanh với xu thế của thời đại công nghệ số.

Thi nâng bậc
Thi nâng bậc.

Vừa hoàn thành bài thi nâng bậc 6 lên bậc 7, ông Trần Văn Tuệ - Đội phó Đội Quản lý vận hành số 2 trực thuộc quản lý đường dây và vận hành trạm biến áp - Điện lực TP Phủ lý (Công ty Điện lực Hà Nam) chia sẻ:

Trước khi thi, chúng tôi được bổ sung bồi huấn kỹ năng về chuyên môn và hiện trường. Với nội dung thi là thực hiện thay bộ cầu dao phụ tải LBS và kiểm tra đo cách điện của các thiết bị điện. Khi nhận được đề, chúng tôi làm như ở hiện trường thực tế (khảo sát hiện trường, lập phương án và lập phiếu công tác). Qua đây, giúp chúng tôi nâng cao tay nghề, đảm bảo an toàn cho bản thân, thực hiện tốt hơn công việc mình đảm nhiệm, bên cạnh đó, mức lương cũng được nâng lên.

Ngoài ra, đối với thiết bị mới khi đưa vào vận hành, công nhân bậc cao sẽ được đi tập huấn và bồi huấn trước để về tập huấn bổ sung cho công nhân viên trong đơn vị nắm được công nghệ mới về vận hành lưới điện.

Giờ lên lớp
Giờ lên lớp.

Học viên Lê Huyền Trang, lớp CD8 K54 - Chuyên ngành quản lý đường dây và trạm biến áp 110 (Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc) chia sẻ:

Ngoài các giờ học lý thuyết trên lớp, chúng em được học tập ở các xưởng trong nhà, ngoài bãi có cơ sở vật chất, thiết bị đầy đủ. Bên cạnh đó, cách giảng dạy của các thầy rất sát thực tế, giúp chúng em hình dung ra được công việc sau này. Ví dụ, ở xưởng dạy cách trèo cột, đọc chỉ số công tơ; trang thiết bị treo xà, lắp sứ rất chi tiết.

Sắp tới, chúng em sẽ được thực tập tại trường để trau dồi thêm kinh nghiệm; khi hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã được học, chúng em sẽ được nhà trường phân công thực hành tại các điện lực địa phương, sẽ được học thực tế, thực hành nhiều.

Đầu tiên tiếp xúc với dây điện, chúng em cũng rất bỡ ngỡ nhưng các thầy cô đã rất chu đáo, tận tình dạy chúng em từng chi tiết.

Khi chúng em làm xong rồi, thầy vẫn cẩn thận xem lại rồi mới cho hoạt động. Khi học, các thầy cô luôn nhắc chúng em điều đầu tiên là sự an toàn, trước khi đóng điện phải kiểm tra thật kỹ lại một lần nữa để đảm bảo sự chính xác; đóng điện cần để ý xem hoạt động tốt chưa, các thiết bị có hỏng hóc, rò rỉ ở đâu không. Từ đó giúp chúng em dần trưởng thành và tự tin trong công việc.

Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc vinh dự được nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1987 (Trường Cơ khí Điện lực Yên Viên thuộc Công ty Sản xuất thiết bị Điện), Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997 (Trường Đào tạo nghề Điện thuộc Công ty Điện lực 1), Huân chương chiến công hạng Ba năm 1999 (Trường Đào tạo nghề Điện thuộc Công ty Điện lực 1), Huân chương Lao động hạng Hai năm 2002 (Trường Đào tạo nghề Điện thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam), Huân chương chiến công hạng Nhì năm 2005 (Trường Đào tạo nghề Điện thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam), Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2007 (Trường cao đẳng nghề Điện thuộc EVN), Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 2012 (Trường cao đẳng nghề Điện thuộc EVN)...

Tập thể và cá nhân nhận nhiều Bằng khen, cờ thi đua của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ lao động Thương binh và Xã hội, UBND thành phố Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, EVN, Công đoàn Điện lực Việt Nam…

Minh Anh