“Hàng đi Âu về nên yên tâm về chất lượng”
Kinh doanh quần áo cũ (kinh doanh hàng thùng, hàng si, hàng secondhand) ngày càng trở thành xu hướng, được nhiều người ưa chuộng do sự độc lạ, hiếm đụng hàng mà giá cả lại rẻ và hấp dẫn.
Lợi dụng điều này, một số tổ chức, cá nhân đã dùng mọi thủ đoạn để nhập khẩu quần áo, giày dép, đồ gốm sứ... đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam bán kiếm lời, bất chấp những quy định của pháp luật cũng như tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh da liễu khi mặc đồ “secondhand, đồ si”.
Mục sở thị tại cửa hàng Đồ si 68 (B23, đường D4, Khu dân cư Himlam, phường Tân Hưng, quận 7), phóng viên không khỏi bất ngờ khi ở đây bày bán hàng nghìn sản phẩm thời trang từ túi xách, quần áo cho đến giày dép… của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới (Puma, Nike, Adidas, Burberry, Gucci…)
Đáng chú ý, những sản phẩm này đều là đồ cũ, đã qua sử dụng, không có tem nhãn, không có thông tin về sản phẩm. Chúng có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/sản phẩm.
Khi phóng viên hỏi về thông tin của sản phẩm, một người bán hàng tại đây cho biết: “Đây là đồ nhập khẩu, đồ nhà chị là đồ “secondhand” mà (đồ cũ – PV), hàng Authentic (hàng chính hãng – PV) nhiều lắm. Hàng này là phải lựa kỹ thì mới có hàng chính hãng nha, cái này phải có kinh nghiệm, phải “chơi chuyên” mới được nha”.
Cầm trên tay một chiếc áo sơ mi có thương hiệu ‘Burberry’ và thắc mắc có phải hàng chính hãng không thì người này cho biết: “hàng này hàng Fake nhưng đi Âu (hàng giả nhưng đi châu Âu – PV) nên cứ yên tâm về chất lượng, tụi chị tổng hợp từ nhiều nước chứ không phải là nhập từ một nước. Một kiện hàng có thể hàng hóa của cả chục nước nằm ở đó, sẽ có người đi gom, bọn chị chỉ mua từng kiện về bán. Trong những kiện hàng đó thì sẽ có cả hàng chính hãng và hàng giả, hàng nhái. Sơ mi cọc dài gì thì cũng 200.000 đồng hết, ai mua 10 cái thì được tặng 1 cái, yên tâm đi mặc đồ chị là vừa mát, vừa dễ thương, ăn tiền là ở cái chất liệu” – người này thông tin.
Để phóng viên yên tâm mua hàng, người này còn nhấn mạnh, “không quan trọng hãng mà quan trọng là chúng ta mặc đồ đó có đẹp không. Hàng này đi một vòng trái đất về “mặc thành Việt Kiều” thì không chịu?”
Tại một cơ sở khác của cửa hàng Đồ si 68 (địa chỉ 21 Hoàng Trọng Mậu, Khu dân cư Him Lam, phường Tân Hưng), khi bước vào, đập vào mắt phóng viên là hàng nghìn sản phẩm gốm sứ, quần áo, giày dép.
Theo người bán hàng ở tại địa chỉ này, cơ sở 2 với cơ sở 1 là cùng một chủ. Khi phóng viên thắc mắc là tại sao không chung vào một chỗ cho tiện quản lý, buôn bán này người này nói: “Bên em có hàng chục nhân viên đóng, dỡ hàng, với số lượng hàng lớn như thế thì làm sao gom vào một chỗ được, nên mới phải tách ra 2 cơ sở”.
Nhân viên bán hàng này cũng cho biết thêm, đồ gốm sứ ở đây toàn là nhập khẩu từ “Nhật Bản”, được bán theo cân, theo cái, kiểu gì cũng có.
Đặc biệt, không chỉ kinh doanh offline, mà cửa hàng đồ si C68 còn lập ra hàng loạt các trang fanpage để livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội. Mỗi ngày, lượng hàng mà những fanpage này bán ra cả trăm đơn hàng, thậm chí là hàng nghìn đơn hàng.
Theo Luật sư Đặng Văn Dũng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, tại mục 2 Phụ lục 1, Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì một trong những danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu bao gồm:
Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hàng: Hàng dệt may, giày dép, quần áo; Hàng điện tử; Hàng điện lạnh; Hàng điện gia dụng; Thiết bị y tế; Hàng trang trí nội thất; Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác; Xe đạp; Mô tô, xe gắn máy.
“Như vậy, quần áo, hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ đã qua sử dụng thuộc diện hàng hóa cấm nhập khẩu. Do đó, kinh doanh các hàng hóa trên vi phạm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu” – Luật sư Dũng nhận định.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh khi mặc đồ “secondhand”
Hầu hết quần áo secondhand đều đã bị ngả màu, bị ố, có bộ còn dúm dó, giãn hết chất vải, thậm chí có chiếc quần bị ố vàng phần đũng... nên người mua phải bới trong đống cũ bẩn đó để tìm cho mình cái phù hợp. Đây chính là môi trường thuận lợi cho các loại ký sinh trùng sinh sống và trú ngụ. Nhưng nhiều người chủ quan, vẫn vô tư lựa và thử đồ trong mớ đồ cũ chất cao như núi ấy, nhiều bà mẹ còn không ngại ngần chọn từ quần áo cũ đến gấu bông, búp bê cũ... cho trẻ em.
Chia sẻ về vấn đề này, một bác sĩ chuyên về da liễu cho hay, không thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân mắc bệnh là do dùng đồ “sida". Tuy nhiên, đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao liên quan đến một số bệnh về da thường gặp.
Hàng “secondhand” được thu gom từ nhiều nơi, nhiều nguồn và được làm sạch, làm mới bằng các loạt hóa chất tẩy rửa mạnh, nên mùi rất nặng. Khi mua về, dù có được giặt sạch thì những chất tẩy độc hại vẫn có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng.
Hơn nữa, quần áo này khi lấy về bán bị các chủ ki ốt vứt la liệt trên nền, sàn nhà nên bất bẩn, mất vệ sinh. Chưa kể, nếu chủ nhân trước của những trang phục này mắc bệnh da liễu hay phụ khoa thì có thể lây sang người hiện tại sử dụng nó.
“Những ký sinh trùng như con ghẻ khi ra khỏi cơ thể khoảng 5 ngày thì chết, nếu việc thu gom, vận chuyển và buôn bán hàng sida ngắn hơn 5 ngày, nguy cơ lây bệnh ghẻ rất cao. Đặc biệt, nguy hại là các dạng nấm - nhóm nguyên nhân gây bệnh qua da, bởi nấm có thể tồn tại qua nhiều năm. Một người bị nấm thải quần áo ra mà không được tiệt trùng thì người mặc sau đó sẽ bị lây nhiễm các bệnh như nấm bẹn, nấm thân, lang ben, nấm đồng tiền...” - vị này cho hay.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, ngoài nhu cầu mặc đẹp người tiêu dùng cần phải chú ý tới trang phục sạch sẽ, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tránh việc bắt chước nhau đi mua quần áo cũ mà không biết có vệ sinh, an toàn hay không. Không nên thử đồ lót và áo thun, quần áo mới khi mua nên giặt bằng nước nóng và phơi ở nơi khô thoáng trước khi mặc.
Hoàng Bách – Sông Trường