Sau bài phản ánh nhiều địa điểm thuộc Hệ thống trái cây nhập khẩu & Đặc sản vùng miền Gold Fruit phản ánh về việc phóng viên (PV) ghi nhận hai điểm kinh doanh thuộc hệ thống đặt tại 190 Trung Kính và 41 Yên Lãng (Hà Nội) bày bán nhiều sản phẩm trái cây nhập khẩu, mỹ phẩm và hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, PV tiếp tục ghi nhận thêm một số điểm kinh doanh của hệ thống vẫn tiếp diễn tình trạng trên.
Gold Fruit tại Lò Đúc và Linh Đàm có dấu hiệu chưa chấp hành quy định trong kinh doanh
PV có mặt để ghi nhận tại cửa hàng trái cây nhập khẩu & đặc sản vùng miền Gold Fruit số 12, phố Lò Đúc (Hà Nội) – một vị trí đắc địa, phục vụ nhiều lượt khách ra vào trải nghiệm mua sắm mỗi ngày.
Bước vào bên trong, cơ sở này có diện tích khoảng 50m2 nhưng được bố trí, bày bán nhiều chủng loại sản phẩm gồm: hàng đông lạnh, sản phẩm bánh kẹo, dinh dưỡng, hàng tiêu dùng thiết yếu và nổi bật hơn cả là hàng chục chủng loại sản phẩm trái cây trong nước và nhập khẩu được bày biện ở vị trí bắt mắt dễ quan sát nhất.
Qua quan sát, PV ghi nhận nhiều dấu hiệu chưa chấp hành các quy dịnh liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa tại cơ sở này.
Cụ thể tại quầy hoa quả, PV ghi nhận bên cạnh những sản phẩm nông sản, trái cây trong nước, chủ cơ sở này còn bày bán nhiều loại trái cây nhập khẩu như: Táo Nam Phi, táo Cherry (Trung Quốc), nho sữa, trái cây Kiwi (được giới thiệu là từ New Zealand),… tuy nhiên không thấy có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt liên quan đến thông tin về sản phẩm bằng tiếng Việt như: đơn vị nhập khẩu, ngày đóng gói, hạn sử dụng,…
Tiếp tục di chuyển tới quầy bày bán bánh kẹo, sữa nhập khẩu, PV ghi nhận được nhiều sản phẩm bánh kẹo ngoại không tem nhãn phụ tiếng Việt, sản phẩm sữa bột ngoại mang thương hiệu Ensure bên ngoài bao bì không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến đơn vị nhập khẩu, đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm tại thị trường Việt Nam, tù mù về nguồn gốc xuất xứ.
Ngoài ra, tại cơ sở này còn bày bán nhiều sản phẩm mỹ phẩm, đồ nhu yếu phẩm thiết yếu trên bao bì thể hiện những sản phẩm này đến từ Trung Quốc, Nhật Bản,… nhưng cũng không hề được dán những thông tin bằng tiếng Việt theo quy định.
Tiếp tục ghi nhận tại cơ sở của Gold Fruit tại Kiot số 1, tòa nhà Rainbow, Tây Nam Linh Đàm (Hà Nội), PV nhận thấy những dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh hàng hóa tại cơ sở này dường như giống các cơ sở trước đó PV đã phản ánh.
Cụ thể, quầy bán hoa quả ngoại nhập cũng đủ chủng loại như táo, lê, nho, kiwi,… nhưng không có bất cứ thông tin nào thể hiện đơn vị nhập khẩu, cung cấp sản phẩm cho cơ sở này.
Tương tự, những sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên bao bì thể hiện những sản phẩm này tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, … cũng không phát hiện ra bất cứ một thông tin nào liên quan đến sản phẩm bằng tiếng Việt, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ.
Từ những ghi nhận trên tại các điểm kinh doanh thuộc Hệ thống trái cây nhập khẩu và Đặc sản vụ miền Gold Fruit, PV nhận thấy hầu hết những sản phẩm trái cây ngoại nhập được bày bán tại đây đều không được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu vi phạm rất về pháp luật liên quan đến hàng hóa ngoại nhập đang được bày bán trên thị trường.
Những phản ánh trên xin được gửi tới Cục QLTT TP Hà Nội, cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sớm vào cuộc kiểm tra làm rõ, nhằm bảo đảm minh bạch thị trường hàng hóa tại đia phương, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh làm ăn chân chính.
Pháp luật quy định những gì?
Thực tế ghi nhận việc bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem nhãn phụ tiếng Việt trên bao bì sản phẩm đang diễn ra công khai tại các cơ sở thuộc Hệ thống này – nơi thu hút nhiều khách hàng qua lại tham gia trải nghiệm mua sắm. Điều này đã và đang vi phạm rất lớn đến những quy định của pháp luật về hàng hóa. Bởi, tại Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa nêu rõ: “Hàng nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Trách nhiệm về ghi nhãn hàng hóa thuộc về tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.”
Cũng theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
T.N - T.A