Tình báo Mỹ dự báo cách trả đũa của Nga
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận, việc đáp ứng yêu cầu của Ukraine muốn sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để tập kích sâu vào lãnh thổ Nga có thể thúc đẩy những đòn trả đũa mãnh liệt của Nga mà lại không làm thay đổi được căn bản tiến trình xung đột Nga - Ukraine.
Cụ thể, giới chức Mỹ cho hay, cộng đồng tình báo nước này tin rằng Nga có khả năng trả đũa Mỹ và đồng minh bằng vũ lực lớn hơn nhiều, có thể là bằng những cuộc tấn công chết người nếu phương Tây đồng ý cho Ukraine triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để đánh sâu vào bên trong lãnh thổ nước Nga.
Bản đánh giá tình báo miêu tả một loạt kịch bản phản ứng của Nga đối với phương án cho phép Ukraine dùng tên lửa của Mỹ và Châu Âu để đánh vào lãnh thổ Nga. Các kịch bản đó bao gồm đẩy mạnh hoạt động phá hoại ngầm các cơ sở của Châu Âu cho tới mở các cuộc tấn công chết người vào các căn cứ quân sự của Mỹ và Châu Âu.
Giới chức Mỹ cho rằng, tình báo quân sự Nga có thể bí mật tấn công các cơ sở, căn cứ của Mỹ và Châu Âu nếu Tổng thống Nga Putin lựa chọn đáp trả cứng rắn quyết định của phương Tây bật đèn xanh cho Ukraine dùng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công các mục tiêu bên trong nước Nga.
Thời gian qua, Tổng thống Nga Putin thường xuyên răn đe phương Tây về ý đồ cung cấp vũ khí tiên tiến cho Ukraine cũng như để cho Ukraine sử dụng những vũ khí đó để tập kích lãnh thổ Nga.
Tổng thống Putin đã có những phát biểu đặc biệt cứng rắn trong những ngày gần đây liên quan đến khả năng Ukraine được gỡ bỏ rào cản để có thể tập kích lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây.
Bản đánh giá nhấn mạnh những gì mà các nhà phân tích tình báo của Mỹ xem là rủi ro tiềm tàng cũng như những “phần thưởng” bất định từ quyết định lớn mà hiện nay Tổng thống Mỹ Biden phải cân nhắc sau khi gặp Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 26/9/2024 tại Nhà Trắng.
Các phát hiện trong nghiên cứu tình báo này giải thích một phần vì sao ông Biden gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định về việc có dỡ bỏ rào vũ khí đối với Ukraine hay không. Ông Biden gặp áp lực lớn ở trong nước về việc phải nói “Không” với yêu cầu của ông Zelensky.
Các quan chức Mỹ giấu tên - những người nắm nhiều thông tin về vấn đề tình báo và các cân nhắc nội bộ của Mỹ, cho biết, vẫn chưa rõ Tổng thống Biden sẽ quyết định thế nào.
Những tháng qua, Tổng thống Ukraine Zelensky công khai và bí mật vận động hành lang để Ukraine được phép sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây để đưa ngọn lửa chiến sự vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Đòn tập kích của Ukraine có rủi ro lớn nhưng lợi ích thu về lại ở mức thấp
Bản đánh giá tình báo trên cũng hạ thấp tác dụng mà tên lửa tầm xa có thể gây ra được cho tiến trình xung đột giữa Nga và Ukraine, bởi vì Ukraine hiện chỉ có số lượng vũ khí hạn chế và người ta cũng không rõ liệu phương Tây có thể cung cấp thêm bao nhiêu vũ khí cho Ukraine.
Mỹ và đồng minh cho tới nay đã cung cấp cho Ukraine 3 loại hệ thống tên lửa tầm xa, đó hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS do Mỹ sản xuất, hệ thống tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất và hệ thống tên lửa SCALP do Pháp cung cấp.
Ukraine đã sử dụng một số vũ khí trên để tấn công các mục tiêu quân sự Nga ở bên trong và xung quanh bán đảo Crimea mà Ukraine vẫn coi là bộ phận lãnh thổ của mình sau khi Nga sáp nhập bán đảo này vào năm 2014.
Nếu được phép từ phía Mỹ, những cuộc tập kích tầm xa của Ukraine có khả năng tấn công các căn cứ quân sự và kho đạn dược của Nga nằm sâu trong lãnh thổ Nga, từ đó gây khó khăn lớn cho hoạt động hậu cần của Nga ở tiền tuyến và giúp Ukraine ngăn chặn đà tiến của quân Nga.
Thế nhưng bản đánh giá tình báo của Mỹ nghi ngờ Ukraine có thể xoay chuyển được tình thế nếu được phép tập kích như vậy. Thứ nhất, bản đánh giá cho rằng, Ukraine không có đủ tên lửa tầm xa cho mục tiêu đó. Thứ hai, theo bản đánh giá này, sau khi hứng chịu những đòn đánh đầu tiên, Nga có thể di chuyển khi đạn, trung tâm chỉ huy và máy bay quân sự của mình ra ngoài tầm bắn của những hệ thống tên lửa đó.
Về lý thuyết, Tổng thống Biden có thể yêu cầu quân đội Mỹ cung cấp thêm tên lửa ATACMS cho Ukraine nhưng thực tế quân đội Mỹ có số lượng hạn chế các quả tên lửa này và cần phải dự trữ một số lượng nhất định để đáp ứng nhu cầu quân sự của riêng mình.
Vấn đề rào vũ khí đối với Ukraine đã gây tranh cãi trong nội bộ Mỹ. Phe chỉ trích thì cho rằng, Tổng thống Biden và đội ngũ cố vấn đã quá e ngại các lời cảnh báo từ phía ông Putin nên chỉ cung cấp vũ khí theo kiểu nhỏ giọt, từng bước một cho Ukraine, từ đó đẩy Ukraine vào thế bất lợi trên chiến trường. Những người ủng hộ ông Biden thì lại cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống đã giúp tránh được một phản ứng bạo lực từ phía Nga.
Giới lãnh đạo Anh ủng hộ người Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Anh cung cấp để đánh vào sâu trong đất Nga nhưng Anh vẫn chờ đợi Tổng thống Mỹ Biden đưa ra quan điểm về vấn đề này do phản ứng từ phía Nga có thể tác động lên an ninh của toàn liên minh phương Tây.
Theo New York Times