Theo Phó Thủ tướng Nga A.Novak, nếu các nước áp đặt giới hạn giá, thì Nga sẽ không cung cấp dầu và các sản phẩm dầu cho họ, vì nước này sẽ không làm việc với “các điều kiện phi thị trường". Ông gọi các đề xuất áp đặt các hạn chế đối với giá dầu của Nga là "hoàn toàn vô lý".
Theo ông, đây là sự can thiệp vào cơ chế thị trường của một ngành quan trọng như ngành dầu mỏ, ngành quan trọng nhất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của toàn thế giới, những nỗ lực như vậy sẽ chỉ dẫn đến sự mất ổn định của ngành dầu mỏ, thị trường dầu mỏ. Ông nhấn mạnh rằng, trước hết, những người tiêu dùng Châu Âu và Mỹ, những người hiện đang trả giá cao cho năng lượng, sẽ phải gánh chịu biện pháp này.
Phó Thủ tướng Novak cho biết: Không một nước nào trong OPEC +, cũng như Ấn Độ và Trung Quốc, ủng hộ ý tưởng áp đặt trần giá đối với dầu từ Nga. Theo ông, việc hạn chế giá dầu của Nga sẽ phá hủy hoàn toàn thị trường toàn cầu.
Sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây đã tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga. Đức và các nước EU khác đã cùng nhau thông qua sáu gói trừng phạt, bao gồm cấm vận đối với than và dầu. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã khiến giá nhiên liệu và thực phẩm ở Châu Âu và Mỹ tăng cao.
Trong khi đó, Nga chuyển hướng xuất khẩu khối lượng lớn nguyên liệu thô sang các thị trường khác, chủ yếu là Ấn Độ và Trung Quốc và thậm chí tăng doanh thu, mặc dù bằng cách bán số lượng dầu nhỏ hơn với mức chiết khấu. EU và Mỹ chịu tổn thất, bao gồm cả tác động thứ cấp ở dạng lạm phát.
Trong bối cảnh đó, theo kết quả của hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng Sáu, một tuyên bố đã được thông qua với lời hứa sẽ xem xét khả năng hạn chế giá dầu của Nga bằng cách cấm cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng đường biển, nếu giá dầu thô vượt trần "do các đối tác quốc tế đồng ý.
VOV- Moscow