Theo ThS.BS. Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính qua đường hô hấp. Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự như những bệnh cảm cúm thông thường khác như: Sốt, chảy nước mũi, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng…
Ngoài các triệu chứng ban đầu, bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao hơn 39-40 độ C, da xung huyết, họng đỏ xung huyết toàn bộ. Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trung Kiên, chúng ta cũng không cần thiết phải quá lo lắng vì hầu hết bệnh nhân cúm A đều tự khỏi sau 1-2 tuần. Có điều chúng ta lưu ý đối tượng nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tuổi hay trẻ em, người trên 45 tuổi, nhất là người mắc bệnh nền, để có thể nắm bắt kịp thời diễn biến bệnh.
Đa số những người mắc cúm A sẽ được kê đơn thuốc về điều trị ngoại trú, tuy nhiên những trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị. “Khi người bệnh có biểu hiện sốt cao trên 38 độ kèm theo chảy mũi, ho, đau người, đau đầu, khó thở, tức ngực thì bắt buộc đến cơ sở y tế để khám chứ không tự ý dùng thuốc tại nhà.
Người dân không nên tự ý đi mua thuốc vì dùng Tamilflu phải có chỉ định của bác sĩ, đúng thời điểm”, bác sĩ Trung Kiên nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho rằng, đối với các trường hợp cúm thường biểu hiện sốt cao liên tục kèm theo đau mỏi người, đau đầu, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol 500mg, liều lượng tính theo cân nặng, vừa có tác dụng giảm đau vừa hạ sốt.
Lưu ý với người bệnh là phụ nữ mamg thai hoặc cho con bú chỉ nên dùng dạng dược chất là paracetamol đơn chất, không nên có các phụ gia thêm như codein.
PV