(TH&CL) Việt Nam hiện có 289 khu công nghiệp (KCN) và 15 khu kinh tế (KKT) ven biển tại 59 tỉnh, thành phố, mỗi năm đóng góp hơn 80 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu, chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc phát triển các KCN, KKT vẫn còn những hạn chế.
Tính đến cuối tháng 10/2013, các KCN đã thu hút trên 4.700 dự án FDI (tổng vốn đầu tư đăng ký 69,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp) và trên 5.100 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đầu tư 461.000 tỷ đồng). Các KCN ngày càng phát huy vai trò đầu tàu kinh tế, thu hút khoảng 70% vốn đầu tư nước ngoài của cả nước, tạo việc làm trực tiếp cho trên 2 triệu lao động.
Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, song tại các KCN, KKT nước ta lại có những tín hiệu khả quan. Các KCN, KKT đã và đang trở thành điểm đến của nhiều dự án quan trọng, có quy mô lớn.
Theo ông Trung, một trong những nguyên nhân tạo nên sức hút tại các KCN, KKT trong nước thời gian qua là do Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi tạo lợi thế cho các nhà đầu tư. Cụ thể, ngoài việc tạo các lợi thế về nguồn vốn, mới đây, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình KCN chuyên sâu, vì vậy tương lai, các KCN sẽ đảm bảo hỗ trợ nhiều tiện ích cho DN về vấn đề kiểm toán, kế toán, thuế... Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện các chính sách cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các KCN, KKT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; chất lượng quy hoạch chưa tốt, thiếu sự liên kết lãnh thổ; tỷ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu; vấn đề bảo vệ môi trường trong các KCN, KKT chưa được quan tâm đúng mức… Điều này khiến cho việc khai thác lợi thế đặc thù của từng địa phương chưa hiệu quả.
Với kinh nghiệm phát triển KCN của các quốc gia trong khối ASEAN, bà Somhatai Panichewa, Chủ tịch Ban Đầu tư, Tập đoàn Amata PCL, Chủ tịch Công ty CP Amata (Việt Nam) chia sẻ, để phát triển KCN hiệu quả thì DN, nhà đầu tư cần xác định được mục đích của mình, phải biết tận dụng các nguồn hỗ trợ từ chính sách của Chính phủ, phát huy được chất xám của con người - chính sách ưu đãi, giữ chân người tài cũng như nhà đầu tư phải xác định được mục tiêu ưu tiên, phát triển theo từng giai đoạn cho DN mình.
PGS. TS, Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển nhận định, muốn thúc đẩy thu hút đầu tư vào KCN Việt Nam, cần ưu tiên phát triển liên kết vùng. Theo đó, cần lưu ý đến sự tương đồng về thể chế và sự đồng thuận của các nhóm xã hội cùng chia sẻ lợi ích chung, trong đó có lợi ích phát triển riêng của mỗi vùng; sự đồng bộ về khung khổ thể chế, sự nhất quán về cơ chế chính sách và sự thông thoáng trong cung cách quản trị của các vùng, nhất là về các vấn đề công khai, minh bạch trong chính sách, thông tin và hoạt động của bộ máy công quyền, đảm bảo các quyền về tài sản và đảm bảo duy trì chế độ hợp đồng.
Về phía Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Văn Trung khẳng định, để thúc đẩy thu hút đầu tư vào các KCN Việt Nam trong thời gian tới, Bộ đã có những định hướng, như: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi và củng cố niềm tin cho DN; đẩy mạnh giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về đầu tư, DN, môi trường đảm bảo các dự án đầu tư hoạt động bền vững, hiệu quả; triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu của các DN trên địa bàn các tỉnh…
Tuyết Hoa