Cụ thể, tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, UBND TP. Hà Nội khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:
Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, vận động cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương phối hợp triển khai ngay các biện pháp để hỗ trợ, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại địa phương có dịch bệnh, nhất là TP. Hà Nội; kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối xử lý các khó khăn vướng mắc trong quá trình cung ứng hàng hóa.
Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Đẩy mạnh các hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân, nhất là tại các khu vực bị cách ly.
Triển khai các giải pháp để bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020.
Người dân đổ xô đi mua, tích trữ hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu; có biện pháp cụ thể để đưa mặt bằng giá thịt lợn xuống mức hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của người sản xuất, khâu lưu thông phân phối và người tiêu dùng; xử lý nghiêm các trường hợp thao túng giá, đầu cơ, trục lợi theo đúng chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 02/02/2020.
UBND TP. Hà Nội cập nhật và cung cấp đầy đủ thông tin về diễn biến dịch COVID-19 và nguồn cung hàng hóa trên địa bàn để ổn định tâm lý cho người dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng mua gom hàng hóa để dự trữ, gây bất ổn thị trường.
Chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương thực hiện ngay các giải pháp điều hành, kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng theo chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, các vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh và các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông kịp thời cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan về diễn biến tình hình dịch bệnh, việc cung ứng hàng hóa; kiểm soát, xử lý nghiêm các thông tin không chính thống, sai sự thật gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ động thực hiện ngay các biện pháp phù hợp để cung ứng đủ hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn cả nước đã xác định có 20 ca nhiễm bệnh do dịch Covid-19 gây ra. Sau 16 ca nhiễm Covid-19 được chữa khỏi, vào ngày 6/3, Việt Nam chính thức xác nhận có thêm ca nhiễm thứ 17.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 trên được phát hiện ở TP. Hà Nội. Người nhiễm là chị N.H.N (26 tuổi, trú tại Trúc Bạch, Ba Đình, TP. Hà Nội). Sang ngày 7/3, cả nước xác nhận thêm 3 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 2 người tiếp xúc gần với chị N là bác ruột và lái xe riêng của gia đình chị N, một trường hợp còn lại được phát hiện ở Ninh Bình.
Quốc Trường