Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao

Theo đó, 5 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã phối hợp với các ngành chức năng bám sát địa bàn, nắm bắt thị trường, các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định.

Mặc dù tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng xăng, dầu có nhiều biến động, nhưng Cục Quản lý thị trường Kiên Giang luôn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các giải pháp, nhằm ổn định thị trường. Hàng hóa lưu thông đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ tăng nhẹ trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5; giá nhiên liệu xăng dầu trong tháng tiếp tục điều chỉnh 3 lần (giảm 3 lần).

Đặc biệt, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề, đột xuất và cao điểm tháng an toàn thực phẩm.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhãn đối với thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nhãn đối với thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn (Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang)

Kết quả, trong tháng 5/2023, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 131 vụ, phát hiện 9 vụ vi phạm, 27 vụ đang chờ thẩm tra, xác minh; xử lý 20 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang); thu nộp ngân sách gần 2 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu chờ bán 29.610.000 đồng; trị giá hàng tịch thu chờ tiêu hủy 2.560.000 đồng; thống kê 206 cơ sở; ký cam kết 282 bản; giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của 536 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh.

Có thể kể đến một số vụ việc điển hình dưới đây.

Trong tháng 4 và tháng 5/2023, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang) đã kiểm tra 6 hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, kiểm tra việc ghi nhãn hàng hóa đối với gần 20 loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành tại Việt Nam, đang được bày bán tại các hộ kinh doanh.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 7 đã phát hiện phần lớn các loại thuốc bảo vệ thực vật vi phạm các nội dung, như: Trên nhãn không có nội dung tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu, số điện thoại của tổ chức, cá nhân đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, xuất xứ hàng hóa; ghi không đúng nội dung tổ chức, cá nhân phân phối; trên nhãn có hình ảnh, chữ viết không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó.

Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 4 hộ kinh doanh với số tiền 117 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận buôn bán thuốc bảo vệ thực vật có thời hạn từ 1 đến 3 tháng.

Ngày 16/5/2023, nhận được tin báo của quần chúng, Đội Quản lý thị trường số 6 đã phân công Đoàn kiểm tra thực hiện quyết định khám nơi cất giấu tang vật vi phạm hành chính tại bãi đất trống thuộc khu vực tổ 17, ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang).

Kết quả khám, Đoàn kiểm tra phát hiện tang vật là dây giềng tàu đánh cá các loại 51 cuộn, có tổng trọng lượng 12.470 kg, ước tính tổng trị giá lô hàng trên 500 triệu đồng, không hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp tại thời điểm khám. Hàng hóa vi phạm quy định về nhãn hàng hóa (không có nhãn hàng hóa), chưa xác định được chủ sở hữu.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 490 vụ, đạt 123% kế hoạch 6 tháng; phát hiện 125 vụ vi phạm; xử lý 152 vụ vi phạm hành chính (bao gồm số vụ kỳ trước chuyển sang). Thu nộp ngân sách 5.556.916.000 đồng (phạt hành chính 3.331.840.000 đồng, bán hàng hóa tịch thu 2.225.076.000 đồng). Thống kê 1.032 cơ sở, đạt 103% kế hoạch 6 tháng; ký cam kết 1.470 bản, đạt 105% kế hoạch 6 tháng.

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang, đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu 6 tháng năm 2023.

Thực hiện kiểm tra cao điểm tháng an toàn thực phẩm năm 2023

Hiện nay, vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm đang nhận được quan tâm của toàn xã hội.

Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, hành động, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã xây dựng danh sách kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương vào kế hoạch định kỳ năm 2023 của Cục, thực hiện vào cao điểm tháng hành động an toàn thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường Kiên Giang thực hiện kiểm tra cao điểm tháng an toàn thực phẩm năm 2023
Cục Quản lý thị trường Kiên Giang thực hiện kiểm tra cao điểm tháng an toàn thực phẩm năm 2023 (Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang)

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục Quản lý thị trường về tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-QLTTKG ngày 21/4/2023 ban hành Kế hoạch kiểm tra chuyên đề về thực phẩm của Cục Quản lý thị trường Kiên Giang thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023; tiếp tục ban hành Công văn số 375/QLTTKG-NVTH ngày 27/4/2023 về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Kết quả thực hiện kiểm tra theo kế hoạch định kỳ, chuyên đề và đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm từ ngày 15/4 – 15/5/2023, Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã tiến hành kiểm tra 50 vụ, phát hiện 6 vụ vi phạm về hành vi trực tiếp đưa tạp chất vào thủy sản (tôm sú nguyên liệu), không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định; phạt tiền 28.500.000 đồng.

Trong những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tiếp tục chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến thị trường trên địa bàn phụ trách; thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Cục Quản lý thị trường chú trọng kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn…; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng chức năng, cơ quan liên quan tổ chức ngăn chặn hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò qua biên giới; quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nói chung, nhất là lợn và các sản phẩm từ lợn; kiểm tra việc sử dụng hóa đơn đối với hàng hóa trên khâu lưu thông, nguồn gốc của hàng hóa dịch vụ mua vào của người nộp thuế... qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hóa đơn.

 Hoàng Bách