"Chợ nhãn muộn" ở xã Đại Thành

Sản phẩm nhãn Đại Thành là đặc sản của huyện Quốc Oai, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể, logo nhận dạng sản phẩm và chỉ giới địa lý vùng trồng. Chất lượng sản phẩm nhãn Đại Thành đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ.

Năm 2021 được đánh giá là năm được mùa nhãn. Theo đánh giá sơ bộ, tổng sản lượng vụ nhãn này của xã Đại Thành, huyện Quốc Oai khoảng 3.500 tấn. Nhãn ở đây có độ đường rất cao, mọng nước nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Chị Nguyễn Thị Phong, một người trồng nhãn ở thôn Độ Tràng, xã Đại Thành cho biết: “Nhà tôi có khoảng 100 cây nhãn, năm nay được mùa, tuy nhiên, vụ thu hoạch nhãn năm nay lại vào đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại. Do đó, việc tiêu thụ có phần khó khăn hơn. Mọi năm, giá nhãn rất cao, khoảng từ 40.000đ/kg trở lên nhưng năm nay chỉ trên dưới 10.000 – 15.000đ/kg”.

Chủ tịch UBND xã Đại Thành – Lý Đình Quang
Chủ tịch UBND xã Đại Thành – ông Lý Đình Quang

Chủ tịch UBND xã Đại Thành – ông Lý Đình Quang cho biết, sau khi chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa trên địa bàn sang trồng cây ăn trái và các loại đất dịch vụ khác, thu nhập của người dân ở đây chủ yếu kinh doanh, buôn bán hoa quả và trồng cây ăn trái. Nhãn là loại cây chủ lực của địa phương. Hiện nay, Đại Thành có khoảng 200 ha nhãn, sản lượng 3.500 tấn/năm.

Theo ông Quang, trên địa bàn của xã hiện có nhiều hộ có diện tích trồng nhãn lớn như hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Thức, ở xóm 4, thôn Tình Lam và hộ ông Nguyễn Tiến Bảy, ở thôn Độ Chàng. Đây là hai gia đình đấu thầu đất của xã nên đã đầu tư trên dưới 2 ha mỗi hộ để trồng nhãn. Với sản lượng nhãn cho quả hàng năm trên dưới 15 tấn cho mỗi gia đình, năm nào được giá thì cho thu nhập khá cao. Năm nay nhãn được mùa nhưng lại vướng dịch bệnh, thu nhập của 2 hộ gia đình ông Thức và ông Bảy cũng  được hàng trăm triệu đồng.

Chủ tịch xã Đại Thành cho biết thêm, trên địa bàn xã có cây nhãn Tổ gần 130 tuổi. Do quả nhãn có độ đường cao, nhiều nước nên khoảng 30 năm trở lại đây, nhân dân nhân giống từ cây nhãn Tổ này. Hiện trên địa bàn có 2 giống nhãn, đó là giống “Nhãn méo” hay là giống nhãn HTM1 có chất lượng cao nhất, cho thu hoạch vào giữa tháng 8; giống nhãn lai cho thu hoạch sớm hơn vào đầu tháng 8. Thương lái ở các nơi đổ về đây mua nhãn của bà con vì trái nhãn to, mọng nước.

Đợt thu hoạch nhãn năm nay đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, để giúp người trồng nhãn tiêu thụ, lãnh đạo UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo cho Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai phối kết hợp với UBND xã Đại Thành tổ chức tiêu thụ cho bà con trồng nhãn ở đây.

“Đầu tiên là chúng tôi kêu gọi cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện ủng hộ tiêu thụ nhãn cho bà con nông dân. Chúng tôi kết nối với các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô, thông qua các kênh tiêu thụ là siêu thị, khu chung cư để tiêu thụ nhãn. Đến nay chúng tôi đã giúp bà con tiêu thụ gần 3.000 tấn nhãn”, Phó Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai – bà Nguyễn Thị Sắc nói.

Không chỉ có giúp bà con tiêu thụ nhãn, lãnh đạo huyện còn chỉ đạo các phòng, ban chức năng tìm kiếm đầu mối tiêu thụ giúp bà con tiêu thụ được sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra.

Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai – ông Phạm Quang Tuấn cho biết thêm: “Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng khẩn trương lập danh sách các phương tiện vận chuyển hàng hóa từ huyện đi tiêu thụ để xin cấp giấy phép luồng xanh, tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho lái xe và các đối tượng nằm trong chuỗi sản xuất, cung ứng và các đối tượng khác để đảm bảo an toàn. Vì thế, sản phẩm nông sản của huyện không bị ùn ứ, tiêu thụ nhanh khắp thành phố”.

Linh Tuệ - Công Minh