Thanh Hóa là địa phương thuộc Bắc Trung Bộ, nơi có nhiều giá trị văn hoá, lịch sử kết hợp với các giá trị tự nhiên như rừng, núi, biển, suối, sông, hồ… Đây là những tiền đề quan trọng để Thanh Hoá phát triển một “nền kinh tế tổng hợp đa ngành”, trong đó kinh tế du lịch ngày càng được khẳng định…
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội.
Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô, đồng bộ các dự án hạ tầng tại Khu Du lịch biển Sầm Sơn (TP. Sầm Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)... đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút nguồn vốn các dự án lớn.
Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như: Tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - đảo Nẹ, du lịch dù bay, làng bích họa, khai trương tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại Sầm Sơn... từng bước đánh dấu bước phát triển đột phá của du lịch biển xứ Thanh.
Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách hàng năm như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa)...
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư các điểm đến du lịch mới, hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch… đã hình thành nên các điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như bản Năng Cát (huyện Lang Chánh); bản Hiêu, bản Đôn (huyện Bá Thước); bản Hang (huyện Quan Hóa); bản Ngọc (huyện Cẩm Thủy); bản Ngàm (huyện Quan Sơn)…
Với việc tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, cùng với đưa vào khai thác đa dạng sản phẩm du lịch, vui chơi, giải trí đẳng cấp... đã góp phần đưa Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn của miền Bắc, tạo nên những kỳ nghỉ lễ với lượng khách ấn tượng từ đầu năm đến nay.
Qua đó góp phần nâng tổng thu du lịch 9 tháng năm 2024 ước đạt gần 32 nghìn tỷ đồng, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 98,6% kế hoạch năm 2024.
Đáng chú ý, lượng khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa từ đầu năm đến nay cũng tăng 22,7% so với năm 2023, ước đạt 551 nghìn lượt khách; tổng thu từ khách quốc tế ước đạt trên 285,4 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96,7% kế hoạch năm 2024.
Như vậy, chỉ trong 9 tháng tỉnh Thanh Hóa đã chính thức vượt mục tiêu về lượng khách trong năm 2024, trong khi còn cả “mùa cao điểm” đón khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện). Các chuyên gia và doanh nghiệp lĩnh vực du lịch kỳ vọng, du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục có những bước tiến mới, trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam trong năm 2024.
Hoài Thu