Cụ thể, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt Hanoimilk 200 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch đối với các khoản mục “Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi”, “Các khoản phải thu ngắn hạn”, “Chi phí quản lý”, “Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp” trên báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán; số liệu lợi nhuận sau thuế năm 2021 trên báo cáo tài chính quý IV năm 2021 so với báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán.

Ảnh internet
Hanoimilk bị Ủy ban chứng khoán phạt 200 triệu đồng. Ảnh internet.

Cùng việc bị phạt tiền, Công ty buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin theo quy định, đối với các thông tin đã công bố thông tin sai lệch trên Báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, Báo cáo tài chính quý IV/2021.

Trước đó, Hanoimilk nhiều lần vi phạm lỗi công bố thông tin. Năm 2022, Hanoimilk cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 85 triệu đồng do không công bố thông tin đối với Báo cáo tài chính năm 2020, 2019, 2018, 2017 đã được kiểm toán, Báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2020, 2019, Báo cáo thường niên năm 2020, 2019, Báo cáo tình hình quản trị công ty 06 tháng đầu năm 2017.

Thậm chí, trong 03 năm 2017-2019, Hanoimilk liên tiếp chậm nộp báo cáo tài chính có kiểm toán. Theo đó, đến tháng 06/2020, cổ phiếu bị HNX cổ phiếu hủy niêm yết, xuống giao dịch ở UPCoM.

Hanoimilk được thành lập năm 2001 và chính thức đi vào hoạt động năm 2003. Hiện nay, ông Hà Quang Tuấn giữ chức Chủ tịch HĐQT.

Hanoimilk từng là một trong ba doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, thương hiệu này chỉ còn là cái tên "vang bóng một thời", khi liên tục báo lỗ. Đến năm 2018, Hanoimill mới có lãi trở lại. Và tới năm 2022, kết quả kinh doanh của Hanoimilk khởi sắc hơn.

Hồi đầu năm 2023, Hanoimilk bị Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội “bêu tên” do chậm, nợ đóng 49 tháng bảo hiểm cho hơn 300 lao động với số tiền gần 18 tỷ đồng.

Lê Pháp (T/h)