Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Tiêu chuẩn đối với chất lượng của mặt hàng rau quả được Ủy ban châu Âu (EC) quy định cụ thể tại Quy định (EC) 2200/96. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này chủ yếu phân loại chất lượng và dán nhãn thông tin cho sản phẩm, không áp dụng đối với sản phẩm rau quả tươi chế biến hay chế biến sẵn, chẳng hạn như cà rốt cắt lát đóng gói.
Chính vì vậy, để hoàn thiện hàng rào kỹ thuật về an toàn thực phẩm, ngày 6/11/2007, Hội đồng EU đã ban hành Quy định (EC) 1182/2007 quy định cụ thể về lĩnh vực rau quả. Tiếp đó, sửa đổi một số văn bản hướng dẫn gồm: Hướng dẫn 2001/112/EC liên quan đến các loại nước ép trái cây và một số sản phẩm tương tự dành cho tiêu dùng của con người; Hướng dẫn 2001/113/EC liên quan đến các loại mứt trái cây dành cho tiêu dùng của con người...
Tất cả những loại thực phẩm tiêu thụ ở EU như rau quả tươi, rau quả chế biến sẵn, rượu, ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc, các sản phẩm nguồn gốc động vật và các sản phẩm nguồn gốc thực vật đều phải tuân thủ quy định về giới hạn tồn dư tối đa thuốc trừ sâu (MRLs).
Hướng dẫn 79/117/EEC nêu rõ, cấm đưa vào thị trường và sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất có khả năng gây hại cho sức khoẻ người và động vật hoặc gây hại cho môi trường. Nếu EU phát hiện có bất kỳ chất cấm nào trong mẫu sản phẩm nhập khẩu, lô hàng đó sẽ bị từ chối và tiêu huỷ, đồng thời nhà cung cấp hay nước xuất khẩu có thể bị truy tố và bị áp lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm đó vào EU trong thời gian chờ đợi cơ quan có thẩm quyền của EU tiến hành điều tra.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, rau, quả nào cũng có thể xuất sang EU nhưng quan trọng phải bảo đảm tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất thấp, thậm chí gần như không có. Nếu vi phạm, DN sẽ bị trả hàng, ảnh hưởng đến chính DN và cả ngành rau, quả Việt Nam. Đối với các nhà nhập khẩu rau, quả tươi, việc truy xuất nguồn gốc là bắt buộc, do đó DN EU sẽ yêu cầu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc cho tất cả các loại trái cây.
EU là thị trường xuất khẩu thứ 4 của rau, quả Việt Nam. Với nền tảng sẵn có này, cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với trái cây các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…
EU mở cửa về thuế quan nhưng yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm nên nông dân, DN cần tìm hiểu cặn kẽ để đáp ứng tốt. Để làm được điều này, DN cần phối hợp chặt chẽ với người nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hà Trần