Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định thị trường chứng khoán được đánh giá đang dần hoàn thiện và phát triển sau 22 năm vận hành. Với quy mô huy động vốn giai đoạn 2016 - 2021 tăng trưởng bình quân 28,5%/năm, thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

VN-Index và chứng khoán phái sinh diễn biến ngược chiều trong 2022. Ảnh minh họa
VN-Index và chứng khoán phái sinh diễn biến ngược chiều trong 2022. Ảnh minh họa.

Chứng khoán Việt Nam chịu tác động không nhỏ theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán các nước, dưới sự biến động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Trong năm 2022, thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều phiên điều chỉnh giảm mạnh từ tháng Tư và vẫn đang trong xu hướng giảm điểm cho tới nay, trong đó có những nhịp phục hồi ngắn hạn vào tháng Năm và tháng Tám.

Đến ngày 24/11, chỉ số  chỉ số VN-Index đạt 947,71 điểm, giảm 36,7% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 03 sàn HoSE, HNX và UPCoM ước đạt 4,93 triệu tỷ đồng, giảm 36,6% so với cuối năm 2021, tương đương 58,1% GDP.

Đến cuối tháng 10,  thị trường có 755 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 02 sở giao dịch chứng khoán và 860 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 12,14% với cuối năm 2021, tương đương 23,2% GDP.

Trong giai đoạn này, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục. Giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng Tư xuống còn 12.133 tỷ đồng/phiên trong tháng 11. 

Từ đầu năm đến ngày 24/11,  giá trị giao dịch bình quân đạt 20.620 tỷ đồng/phiên, giảm 22,5% so với bình quân năm 2021.

Ở diễn biến khác, thị trường chứng khoán phái sinh diễn ra sôi động  với khối lượng giao dịch bình quân của hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 tính chung từ đầu năm đến ngày nay đạt 257.092 hợp đồng/phiên, tăng 36% so với bình quân năm 2021. Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tính đến ngày 24/11 đạt 47.625 hợp đồng, tăng 53% so với cuối năm 2021.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/11,  khối lượng giao dịch chứng quyền đạt 31,72 triệu chứng quyền/phiên, tăng 49% so với bình quân năm 2021, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm. Tuy nhiên, giá trị giao dịch vẫn giảm 68% so với bình quân năm 2021 với mức 22,43 tỷ đồng/phiên.

Dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 17,08% GDP, vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định 1191/QĐ-TTg vào năm 2020 (là 7% GDP) và gấp 10,2 lần năm 2011.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng vốn hóa cao nhất trong khu vực ASEAN trong 10 năm qua.

Cụ thể, trong cùng giai đoạn. tăng trưởng vốn hóa trên Sở Giao dịch chứng khoán Philippines (PSE) là 13,3%; Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) là 13,1%; Sở Giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) là 10,1%; Sở Giao dịch chứng khoán Malaysia là 5% và Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) là 3,8%

Hồng Nhung (t/h)