Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, 7 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, xử lý 46 vụ/54 hành vi BLGLTM trên môi trường TMĐT. Đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính các đối tượng vi phạm với số tiền hơn 712 triệu đồng, trị giá hàng hoá phát mại 597 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm trên 700 triệu đồng.
Nổi bật, qua công tác nắm thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok), ngày 21/8/2024, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh B.V.D có tài khoản facebook là “Duy Đại”, địa chỉ ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, đã phát hiện, tạm giữ 23 vỏ hộp đựng pin năng lượng mặt trời có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Seplos, trị giá 67 triệu đồng.
Tương tự, cũng qua công tác thẩm tra, xác minh hoạt động kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội, ngày 26/8/2024, lực lượng QLTT đã phối hợp với lực lượng công an tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh, bán hàng trực tuyến đối với gian hàng HuongAnhFood&Nest (Tiktok shop Hương Anh), địa chỉ ở phường Hồng Hải, TP Hạ Long. Qua công tác kiểm tra, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ Tiktok shop Hương Anh số tiền 30 triệu đồng do bán hàng nhập lậu trên môi trường TMĐT.
Theo đánh giá của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, lợi dụng hoạt động TMĐT có tính chất không biên giới, các đối tượng tội phạm đã tìm nhiều cách khác nhau để đưa hàng cấm, hàng lậu, hàng giả vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Đặc biệt, nhiều đối tượng đã lợi dụng triệt để các mạng xã hội như: Facebook, zalo, tiktok… để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng thông qua hình thức bán hàng trực tuyến online. Bởi, sau khi khách hàng đặt mua hàng hóa thành công, người bán hàng có thể thông qua các đơn vị vận chuyển hàng hóa chuyển hàng trực tiếp từ nước ngoài về thẳng địa chỉ khách hàng mà không cần có kho hàng tại Việt Nam.
Hơn thế, các đối tượng bán hàng online, livestream trên các sàn TMĐT, trang mạng xã hội sử dụng máy chủ đặt tại nước ngoài và duy trì cùng lúc nhiều tài khoản để ngay lập tức có thể thay đổi tài khoản hoạt động. Các giao dịch, thanh toán trên mạng sẽ bị các đối tượng hủy, xóa dấu vết rất nhanh, gây khó khăn cho việc thẩm tra, xác minh để xác định hành vi, dấu hiệu vi phạm, quy mô, số lượng hàng hóa vi phạm.
Trong khi đó, hiện nay, trang thiết bị phục vụ việc phát hiện dấu hiệu vi phạm ban đầu để có cơ sở pháp lý tạm giữ hàng hóa của lực lượng QLTT còn thiếu, hạn chế, nhất là trang thiết bị, phương tiện để truy vết các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên nền tảng TMĐT. Mặt khác, trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức lực lượng QLTT tỉnh trong lĩnh vực TMĐT còn nhiều hạn chế, dẫn đến kết quả kiểm tra, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu.
Để tiếp tục phát hiện kịp thời những vi phạm trong hoạt động TMĐT, thời gian tới Cục QLTT tỉnh sẽ đẩy mạnh phối hợp cùng các cơ quan liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu. Trong đó, tăng cường phối hợp kiểm soát chặt chẽ luồng hàng và hóa đơn, chứng từ kèm theo tại các đơn vị chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, tập kết tại kho hàng và rà soát thông tin thanh toán qua các dịch vụ thu hộ (COD) của các đơn vị chuyển phát; tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị này.
Song song với đó, Cục QLTT tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh; chủ động việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ người tiêu dùng, doanh nghiệp về các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, phối hợp với các ngành chức năng liên quan, thực hiện công tác thẩm tra, xác minh, xử lý triệt để các vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường TMĐT.
Trần Trang (t/h)