Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Sau những phiên giao dịch kém tích cực đầu tháng 10, thị trường chứng khoán đã khởi sắc trong tuần vừa qua và VN-Index trở lại kháng cự mạnh 1.280 – 1.300 điểm. Thanh khoản sụt giảm do tâm lý nhà đầu tư giao dịch thận trọng khi thị trường bước vào vùng “gió to”, nhưng dòng tiền luân chuyển qua các nhóm ngành và các cổ phiếu lớn, là trợ lực giúp chỉ số chung phục hồi khá tốt.

Về kỹ thuật, dải Bollinger band đang có tín hiệu mở rộng lên phía trên, đồng thời, hai chỉ báo RSI và MACD có diễn biến tương tự, cho thấy VN-Index vẫn đang trong nhịp hồi phục cân bằng tại vùng kháng cự 1.290-1.300 điểm.

Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE), trong tuần này thị trường sẽ có nhiều thông tin hơn về kết quả kinh doanh quý III và điều này sẽ góp phần giúp thị trường giao dịch sôi động hơn. Dòng tiền sẽ gia tăng dần với dòng chảy chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu big cap có hoạt động kinh doanh tăng trưởng và ổn định trong năm nay.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 14/10, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì diễn biến khởi sắc nhưng việc thiếu nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt khiến thị trường vẫn chưa thể vượt cản 1.300 điểm thành công.

Ngay khi tiệm cận vùng giá này, VN-Index đã nhanh chóng thoái lui khi áp lực bán gia tăng khiến thị trường chuyển qua trạng thái phân hóa. Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số chung đang tăng nhẹ trên mốc 1.290 điểm với số mã tăng giảm khá cân bằng và nhóm cổ phiếu Vingroup vẫn là điểm tựa chính của thị trường khi riêng cặp đôi VHM và VIC đã đóng góp tới gần 3,5 điểm cho chỉ số chung, đáng kể VHM đã có thời điểm tăng sát giá trần.

Trái lại, cặp đôi TCH và HHS bất ngờ bị bán tháo mạnh. Hiện TCH và HHS đều đang đứng tại mức giá sàn với khối lượng dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Cụ thể, TCH có thanh khoản sôi động nhất thị trường với hơn 20 triệu đơn vị nhưng dư bán sàn hơn 3,6 triệu đơn vị; trong khi HHS khớp hơn 4,5 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1,7 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong khi hầu hết đều đang giao dịch lình xình quanh vùng giá tham chiếu thì EIB bất ngờ lao dốc mạnh dù mở cửa le lói sắc xanh, khi mã này chịu áp lực bán khá lớn từ nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện EIB đang giảm gần 6% và thanh khoản chỉ thua TCH với gần 20 triệu đơn vị khớp lệnh.

Hà Trần (t/h)