Áp lực quá lớn

9 tháng mới chỉ giải ngân được 47,29% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao là áp lực lớn cho 3 tháng cuối năm. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, Chính phủ rất lo lắng khi tỷ lệ giải ngân năm nay đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh internet.
Vì sao, 3 tháng cuối năm 2024, đầu tư công gặp áp lực lớn? Ảnh internet.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tỷ lệ chung của cả nước thì như vậy, nhưng đáng chú ý, vẫn còn có tới 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê bình các đơn vị này và nhấn mạnh rằng, phải giải ngân “tích cực” hơn.

Hơn thế, trong số các đơn vị giải ngân thấp, một số địa phương được giao kế hoạch lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, dẫn đến làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Chẳng hạn, TP. HCM được giao hơn 79.263 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng kế hoạch vốn năm 2024 của cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 21,29% kế hoạch.

Hà Nội cũng tương tự. Được giao hơn 81.033 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng kế hoạch vốn năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân của Hà Nội mới đạt 38,88% kế hoạch. Trong khi đó, Hưng Yên được giao 19.921 tỷ đồng, chiếm  3% tổng kế hoạch vốn năm 2024 của cả nước, nhưng tỷ lệ giải ngân mới đạt 31,13% kế hoạch…

Ngoài các nguyên nhân như giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư, nguồn thu ngân sách địa phương từ nguồn thu sử dụng đất chưa được đảm bảo để bố trí cho các dự án…, cũng như câu chuyện đặc thù của giải ngân đầu tư công là đầu năm thấp, cuối năm tăng nhanh, thì thời tiết không thuận cũng là nguyên nhân khiến nhiều địa phương giải ngân chậm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Sơn, vừa qua, Tuyên Quang mất 4 tháng mưa, nên không thể triển khai xây dựng nhiều dự án, dẫn tới tỷ lệ giải ngân đầu tư công mới đạt 40%. Mặc dù vậy, theo ông Sơn, Tuyên Quang đang tập trung cao độ trong cuộc thi đua 500 ngày đêm làm cao tốc. “Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đoạn qua Tuyên Quang cơ bản đã hoàn thành. Chúng tôi cũng đang nỗ lực triển khai xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Vì sao, 3 tháng cuối năm 2024, đầu tư công gặp áp lực lớn? Ảnh internet.
Vì sao, 3 tháng cuối năm 2024, đầu tư công gặp áp lực lớn? Ảnh internet.

TP. HCM là một trong số các đơn vị đã phải đề xuất “trả lại vốn” vì không giải ngân hết. Bộ Tài chính, Đại học Quốc gia TP. HCM… cũng thuộc diện này và nguyên nhân xuất phát từ công tác lập kế hoạch chưa sát với khả năng thực hiện - một điểm yếu trong thực hiện và giải ngân đầu tư công mà không ít đơn vị mắc phải.

Giải pháp và tiến độ

Giải ngân vốn đầu tư công qua 9 tháng đạt chưa tới 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong tổng nguồn lực đầu tư 670.000 tỷ đồng của năm nay, vẫn còn khoảng 350.000 tỷ đồng cần được đưa vào giải ngân. Trong khi đó, tính đến thời điểm niên độ ngân sách 2024 kết thúc, chỉ còn hơn 3 tháng. Điều này đặt áp lực giải ngân vốn đầu tư công lên quý cuối năm, đòi hỏi phải dồn lực trong chặng đua nước rút, nếu muốn đạt mục tiêu giải ngân 95% mà Chính phủ đã đặt ra.

Liên quan việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài các giải pháp vẫn được thực thi lâu nay, như tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ cương kỷ luật…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công.

Bên cạnh chỉ đạo của Chính phủ, thì nỗ lực thực hiện của các bộ, ngành, địa phương mới là điều quan trọng nhất.

“Trong những tháng cuối năm, Tuyên Quang sẽ tập trung cao độ, triển khai 3 ca 4 kịp để đảm bảo đến cuối năm, giải ngân được 95% vốn Thủ tướng Chính phủ giao”, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Trong khi đó, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM khẳng định, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm việc thực hiện các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4…

Hồi giữa năm và trong các cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp và nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo địa phương, bộ, ngành để tình trạng giải ngân thấp diễn ra. Nhưng với kết quả đầu tư công trên, xem ra sự nhấn mạnh đó có thể chưa ổn, cần phải có biện pháp phòng, ngăn ngừa mạnh hơn.

PV (t/h)