Với 35,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính CNG Việt Nam cần chi hơn 42 tỷ đồng để trả cổ tức. Trong đó, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas, mã cổ phiếu GAS - sàn HoSE) dự kiến nhận được 23,6 tỷ đồng nhờ việc sở hữu 56% vốn điều lệ của CNG Việt Nam.
Được biết, CNG Việt Nam vốn là doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn khi luôn duy trì mức cổ tức dao động từ 15% - 45% kể từ khi niêm yết trên HoSE vào năm 2011 đến nay. Gần đây nhất, CNG Việt Nam đã trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%.
Như vậy, với tỷ lệ 12% thì mức cổ tức năm 2023 là mức chi trả thấp nhất từ trước đến nay của CNG Việt Nam. Ngoài ra, công ty còn dự kiến tiếp tục giữ nguyên mức cổ tức là 12% cho năm 2024.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm nay CNG ghi nhận doanh thu đạt 1.472 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng tới 25%, đạt 46 tỷ đồng. Qua đó, hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 52% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong thời gian tới, CNG Việt Nam dự kiến sẽ triển khai hợp đồng mua khí LNG với công ty mẹ là PV Gas với giá trị hợp đồng tạm tính là 10.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm. Qua đó, kỳ vọng có thể triển khai kinh doanh tại thị trường trọng điểm là miền Bắc trong quý III - quý IV/2024.
Hiện CNG Việt Nam có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh LNG tại miền Bắc với giá trị ban đầu 46 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, và Hưng Yên. CNG Việt Nam đánh giá đây là thị trường tiềm năng khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung ngày càng nhiều tại đây, giúp nhu cầu sử dụng khí ở các địa phương này tương đương với thị trường miền Nam.
Ước tính, nhu cầu khí tại thị trường miền Bắc là 1 tỷ m3 khí/năm và có tốc độ tăng trưởng cao hơn thị trường miền Nam. Trong khi đó, thị trường miền Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt khoảng 5 - 6%, theo CNG Việt Nam.
Thuận Yến (t/h)