Tiết mục văn nghệ chào mừng
Tham dự buổi lễ có bà Hoàng Thị Thúy Lan Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng; ông Nguyễn văn Sinh Thứ trưởng Bộ Xây Dựng; ông Nguyễn Văn Trì Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số quận, huyện, thành phố trên cả nước; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, TP. Vĩnh Yên.
Cách đây 120 năm, ngày 29/12/1899, Vĩnh Yên được thành lập, mở ra thời kỳ phát triển của đô thị trung tâm tỉnh lỵ Vĩnh Phúc. Tháng 3/1968 Vĩnh Phúc sáp nhập với Phúc Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú, và Vĩnh Yên trở thành thị xã của tỉnh.
Ngày 1/1/1997, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 9, tỉnh Vĩnh Phú được chia tách thành tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, nên Vĩnh Yên trở lại với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định công nhận thành phố Vĩnh Yên
Vĩnh Yên là vùng đất địa linh nhân kiệt, cư dân có lòng yêu nước nồng nàn, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Truyền thuyết còn ghi lại, ngay từ thời Hùng Vương, người dân Vĩnh Yên đã tích cực tham gia bảo vệ bờ cõi.
Vĩnh Yên cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc sắc, thể hiện ở kiến trúc của hơn 100 đình chùa, miếu mạo, tiêu biểu như chùa Hà Tiên; chùa Phú; Đình Đông Đạo; quán Tiên… và các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Việt…
Lễ trao bằng đón nhận hoàn thành nông thôn mới
Vĩnh Yên là địa phương có phong trào cách mạng sớm nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Ngay từ năm 1928, đã có các thanh niên học sinh người Vĩnh Yên học ở Hà Nội, tham gia hội Việt Nam cách mạng thanh niên, về tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong thanh niên học sinh Vĩnh Yên.
Tháng 4/1930, Thành ủy Hà Nội cử 2 đồng chí Đảng viên cộng sản về xây dựng cơ sở hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Vĩnh Yên. Từ 1936-1939 nhiều tổ chức cách mạng của quần chúng được thành lập và hoạt động sôi nổi…
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Yên là hậu phương vững chắc cung cấp sức người sức cửa cho tiền tuyến lớn, cũng là chiến trường quyết liệt ghi dấu nhiều chiến công. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và quân dân Vĩnh Yên đã anh dũng chiến đấu, đánh thắng nhiều cuộc tập kích của máy bay địch. Vĩnh Yên đóng góp hàng vạn thanh niên lên đường bảo vệ tổ quốc…
Năm 2001, ba đơn vị, xã Định Trung; xã Thanh Trù; phường Khai Quang, của Vĩnh Yên vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vĩnh Yên cũng là địa phương vinh dự được 3 lần đón Bác Hồ về thăm.
Từ sau khi tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là từ khi trở lại với vai trò là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, vượt qua vô vàn khó khăn thách thức buổi đầu – kinh tế nghèo nàn lạc hậu.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp dịch vụ, trong đó có sự quan tâm đặc biệt đối với thị xã trung tâm tỉnh lỵ. Tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều quyết sách quan trọng đối với sự phát triển của Vĩnh Yên, đặc biệt là quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị văn minh hiện đại.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Những năm 1996-1997 cơ cấu kinh tế của Vĩnh Yên chủ yếu là nông nghiệp, thủ công nghiệp, trong đó nông nghiệp chiếm 27,1%. Đến năm 2019, công nghiệp dịch vụ đạt 99,5%, ngành nông nghiệp chỉ còn 0,5%. Sản xuất kinh doanh phát triển mạnh, thu ngân sách năm 1996 chỉ đạt trên 4 tỷ đồng, đến năm 2006 đạt 117 tỷ đồng, nhưng đến năm 2019 đã tăng lên 1.500 tỷ đồng.
Đến nay, TP. Vĩnh Yên, với diện tích 50,8 km2, dân số hơn 15 vạn người với 9 đơn vị hành chính, gồm 7 phường và 2 xã. Diện mạo của Vĩnh Yên không ngừng thay đổi từng ngày khang trang hơn, hiện đại hơn xứng tầm là trung tâm kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh.
Căn cứ và nhiệm vụ từng thời kỳ, Đảng bộ Thành phố luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương của Trung ương và của Tỉnh ủy, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh các nguồn lực, động viên các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng Vĩnh Yên giàu đẹp, văn minh.
Long Trần - Lê Sơn