Viết tiếp bài huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Thiếu nghiêm túc trong việc quản lý, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ - Hình 1

Trụ sở UBND huyện Bình Xuyên. Ảnh: Cổng TTĐT huyện Bình Xuyên

Như đã thông tin tới bạn đọc trong bài “Huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Thiếu nghiêm túc trong việc quản lý, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ”, trong đó có phản ánh đến một số trường hợp là Phó Hiệu trưởng các trường học trên địa bàn huyện được biệt phái về làm chuyên viên của Phòng GD&ĐT không đúng quy định. Nay, việc sắp xếp các chuyên viên biệt phái này đang là bài toán nan giải vì khi được biệt phái về Phòng giáo dục, tại các trường việc bổ nhiệm chức danh Phó Hiệu trưởng theo số lượng quy định đã được hoàn tất.

Không dừng lại ở việc biệt phái viên chức sai quy định, việc bố trí thừa cán bộ lãnh đạo cấp phó tại Văn phòng HĐND-UBND huyện cũng khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch, khách quan của lãnh đạo huyện Bình Xuyên. Bởi lẽ, huyện là cơ quan chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại địa phương theo Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhưng ngay tại cấp chỉ đạo này lại thực hiện thiếu nghiêm túc thì làm sao khiến cấp dưới phục và nghiêm chỉnh chấp hành.

Viết tiếp bài huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc): Thiếu nghiêm túc trong việc quản lý, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ - Hình 2

Danh sách Phó chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Bình Xuyên được đăng tải trên Cổng TTĐT của huyện

Theo tìm hiểu của phóng viên, Văn phòng HĐND và UBND huyện Bình Xuyên hiện có số lượng là 17 người. Trong đó gồm: 01 Chánh Văn phòng, 04 Phó Chánh Văn phòng, 04 chuyên viên, 06 hợp đồng theo Nghị định 68 và 02 hợp đồng lao động. Nhìn vào số lượng Phó Chánh VP có thể thấy, việc thực hiện sắp xếp cán bộ quản lý cấp phòng tại Văn phòng HĐND và UBND huyện được thực hiện không đúng theo Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/05/2014 của Thủ tướng Chính Phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Tại Khoản 1 và 3, Điều 5 của Nghị định 37 lần lượt nêu rõ “1. Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (sau đây gọi chung là Trưởng phòng) chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn do mình phụ trách” và “3. Số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện không quá 03 người”.

Những năm qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhất là sau khi có Đề án 01-ĐA/TU ngày 30/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-202, hầu hết các đơn vị trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đề án 01 được đánh giá là “lá cờ đầu” của cả nước, được dư luận đánh giá cao và nhiều địa phương quan tâm, áp dụng.

Điển hình trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy đó là việc sáp nhập 6 Trung tâm y tế thuộc Sở Y tế Vĩnh Phúc thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh. Việc sáp nhập 6 trung tâm với bộ máy quản lý “khổng lồ” trước đây nhưng khi thành 1 trung tâm thì họ vẫn thực hiện nghiêm quy định về số lượng lãnh đạo quản lý bao gồm 1 Giám đốc và 03 Phó giám đốc Trung tâm.

Nói như trên để thấy rằng, việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm biên chế cần có cái tâm sáng của người lãnh đạo. Nếu như có sự nể nang, cục bộ hay vì lý do nào khác mà cố tình phớt lờ quy định thì mãi mãi không thể chữa được căn bệnh “phình” lãnh đạo quản lý.

Nhóm PV