Đội thợ lặn về kiểm tra, khảo sát mố trụ cầu Phú Lưu ngày 13/9
Đội thợ lặn về kiểm tra, khảo sát mố trụ cầu Phú Lưu ngày 13/9

Sau khi báo đăng, ngày 13/9, Khu Quản lý Đường bộ II (Bộ GTVT) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Đội thợ lặn trực tiếp khảo sát các mố trụ cầu Phú Lưu.

Ngày 23/9, sau khi có kết quả khảo sát, UBND thành phố Huế đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Khai thác Hạ tầng Kỹ thuật họp liên ngành gồm Phòng Quản lý đô thị, Công an thành phố Huế, UBND Phường Vỹ Dạ… họp Xem xét việc phân luồng và kế hoạch sửa chữa Cầu Phú Lưu để báo cáo UBND thành phố Huế.

Thợ lặn đang kiểm tra dưới nước
Thợ lặn đang kiểm tra dưới nước

Trao đổi với PV Thương hiệu & Công luận, ông Thái Bảo Quốc, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Huế cho biết, qua phân tích, đánh giá thực trạng của Cầu Phú Lưu và ý kiến đề nghị của Đội thợ lặn qua khảo sát  thực tế cầu có một số hư hỏng, mố trụ cầu nhiều nơi bày ra cả sắt thép bên trong, nhiều thanh đà bị hoen gỉ… không đảm bảo trọng tải cầu 5,5 tấn như sửa chữa nâng cấp năm 2020.

Ý kiến của các cơ quan dự họp thống nhất đề xuất UBND thành phố Huế hạ tải cầu còn 1,5 tấn. Đồng thời thuê đơn vị chuyên ngành về khảo sát thêm mố trụ cầu và những vấn đề liên quan, đảm bảo an toàn cho việc lưu thông trên Cầu Phú Lưu.

Tác giả bài báo theo Đội thợ lặn và đứng trên một đoạn dầm sắt hoen gỉ
Tác giả bài báo theo Đội thợ lặn và đứng trên một đoạn dầm sắt hoen gỉ

Ông Trần Viết Trung - Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ cho biết thêm, ngoài việc hạ tải trọng của Cầu từ 5,5 tấn xuống còn 1,5 tấn, UBND phường Vỹ Dạ còn có công văn đề xuất UBND Thành phố có kế hoạch làm mới Cầu Phú Lưu.

Theo đó để phục vụ cho hơn 5000 người dân nơi đây và khách du lịch đến với Cồn Hến ngày càng đông, đề nghị UBND Thành phố có kế hoạch đầu tư xây dựng mới Cầu Phú Lưu, thay cầu sắt bằng cầu bê tông; lòng cầu từ 3,16 mét hiện nay được mở rộng ít nhất 2 làn xe qua lại. Đảm bảo các loại xe có trọng tải lớn, xe cứu thương, xe chữa cháy… đều lưu thông được qua cầu.

Một trụ móng cầu bày cả sắt bên trong
Một trụ móng cầu bày cả sắt bên trong

Được biết, Cầu Phú Lưu được xây dựng đưa vào hoạt động từ năm 1967. Đây là cầu móng trụ bê tông, dầm sắt, chủ yếu phục vụ dân sinh. Cầu đã ít nhất 2 lần bị đổ sập xuống sông, lần gần nhất là cuối những năm 1990 do quá tải trọng, khi một đám ma vừa đưa qua khỏi cầu nhưng may mắn không bị thiệt hại về người.

Cầu Phú Lưu mấy lần được nâng cấp, sửa chữa chắp vá; đưa các cây cầu sắt hư hỏng nơi khác lấy dầm, vài về thay thế…

Trước tình trạng xuống cấp nặng nề của Cầu Phú Lưu, năm 2020, UBND tỉnh quyết định chi gần 5 tỷ đồng “Sửa chữa cầu Phú Lưu- phường Vỹ Dạ- Huế” (Quyết định số 2665/QĐ-UBND ngày 26/10/2019 của UBND tỉnh TT Huế). Theo đó, chủ đầu tư là Ban QLDA Đầu tư Xây dựng- Công trình Giao thông Thừa Thiên Huế. Nội dung quyết định sửa chữa ghi rõ: Cầu dàn thép bán vĩnh cửu. Đảm bảo duy trì tuổi thọ cho cầu cũ hiện tại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và các phương tiện như xe cứu thương, xe tang, xe chữa cháy hạng nhỏ.- Quy mô sửa chữa, phải gia cường, sửa chữa toàn bộ 32 móng cọc, trụ cầu cũng như các vị trí hư hỏng của trụ cầu.

Thế nhưng chỉ mới qua 4 năm Cầu Phú Lưu lại xuống cấp và trọng tải từ 5,5 tấn dự kiến hạ tải xuống còn 1,5 tấn. Mục tiêu của quyết định ban đầu là các phương tiện như xe cứu thương, xe tang, xe chữa cháy hạng nhỏ có nguy cơ không qua được như trước kia.

Xe khách, xe du lịch chen nhau qua Cầu Phú Lưu
Xe khách, xe du lịch chen nhau qua Cầu Phú Lưu

Trao đổi với Thương hiệu & Công luận, nhiều người dân sống ở Cồn Hến cho biết, ngoài việc lưu lượng xe qua lại Cầu Phú Lưu từ khi được sửa chữa đến nay tăng đột biến, có ngày xe khách du lịch các kiểu trên cả trăm xe làm cầu thường xuyên kẹt cứng không lưu thông được.

Vấn nạn lớn hơn, do làm đường, làm nhà nên các loại xe ben, xe bánh xích, xe tải vận chuyển cát, sạn… trọng tải gấp nhiều lần vẫn qua lại cầu, nhất là sáng sớm hoặc đêm khuya rất nguy hiểm, dù địa phương có chặn phạt nhiều lần nhưng nhiều chủ xe vẫn coi thường.

... và cả xe tải, xe xích
... và cả xe tải, xe xích

Được biết Sở GTVT đã đề xuất UBND tỉnh nâng cấp, sửa chữa 7 cây cầu yếu trên địa bàn với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng nhưng không có tên cầu Phú Lưu trong lúc Cầu Phú Lưu là cây cầu trọng điểm, nằm trong lòng thành phố, gắn liền với điểm du lịch Cồn Hến, “đảo ẩm thực” mà tỉnh đang xây dựng, nơi có 5000 dân đang sinh sống thì đúng là thiếu quan tâm.

Chưa nói đến, có người còn nói HĐND Thành phố Huế trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, bỏ ra gần 30 tỉ đồng để làm Cầu Chữ Y phục vụ cho người đi bộ và đi xe đạp ở khu vực ngã 3, giao với sông An Cựu- Cầu Dã Viên- Nhà hát Sông Hương. Đúng là cây cầu đó cũng nên có, làm cho Huế đẹp và thơ hơn nhưng trước mắt Huế đang còn nghèo, thay vì đầu tư vào cây cầu cho người đi bộ, đi xe đạp thì nên dồn nguồn lực để làm mới Cầu Phú Lưu, phục vụ cho du lịch và người dân nơi đây cần thiết hơn, đáp ứng nguyện vọng lâu đời của người dân phường Vỹ Dạ.

Người dân mong muốn được thay bằng cầu bê tông, lòng cầu, mở rộng cho 2 làn xe
Người dân mong muốn được thay bằng cầu bê tông, lòng cầu, mở rộng cho 2 làn xe

Từ thực tế Cầu Phú Lưu xuống cấp và nguyện vọng của hơn 5000 người dân nơi đây; đồng thời vì mục tiêu phát triển của thành phố Huế khi trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương chúng tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của phường Vỹ Dạ kiến nghị với UBND Thành phố và UBND tỉnh cho rằng, Cầu Phú Lưu cần được bê tông hóa và mở rộng. Đó là kiến nghị hoàn toàn đúng đắn, vì dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

                                                                                                                                            Trần Minh Tích