Bà Fang-Miao Lin cho biết, năm 2017, Việt Nam đã nhập đến 107 triệu USD máy công cụ của Đài Loan, nổi bật là nhu cầu về máy gia công cơ khí. Hiện tại, Đài Loan là nhà cung cấp lớn thứ 4 cho Việt Nam.
Buổi hội thảo giới thiệu thế hệ máy thông minh của Đài Loan
Đặc biệt, trong xu thế Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Đài Loan có chuỗi cung ứng từ linh kiện chủ chốt, mô-đun tự động hóa, đến hệ thống tích hợp. Từ đó, cung cấp các giải pháp về tự động hóa, rô-bốt, cảm ứng và điều khiển. Với lợi thế công nghệ, Đài Loan có thể cung cấp giải pháp về bảo trì phòng vệ, kiểm soát từ xa, chẩn đoán thiết bị…
Đơn cử như tại Triển lãm và Hội thảo về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại MTA 2018 được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) từ ngày 3 - 6/7/2018, các doanh nghiệp Đài Loan đã tập trung vào các giải pháp “Sản xuất thông minh”.
Nhiều thương hiệu lớn và nổi tiếng của Đài Loan tham gia Triển lãm MTA 2018
Tập đoàn công nghệ Hiwin là một ví dụ điển hình về công nghệ sản xuất toàn cầu, mang đến triển lãm MTA 2018 là những con rô bốt có thể tự học bằng cách quan sát mà không cần qua lập trình, những con rô bốt có thị giác, thính giác và cả xúc giác. Thị giác và thính giác để giảm tốc khi có người đến gần trong phạm vi an toàn. Còn xúc giác là để ngừng máy lập tức, nếu có người chạm vào bất cứ bộ phận nào của rô bốt.
Hệ thống sản xuất thông minh cũng là điểm nhấn của tập đoàn Tongtai (TTGroup). Tại triển lãm MTA 2018 TTGroup giới thiệu hệ thống điều hành sản xuất thông minh, thông qua ứng dụng IoT, robotics, big data and lean management.
Theo đó, chỉ với điện thoại di động, người quản lý có thể điều hành theo thời gian thực toàn bộ các bộ phận, xác định và xử lý điểm nghẽn, để nâng cao hiệu quả thiết bị.
Đặc biệt, hệ thống in laser của TTGroup đã kết hợp các chức năng tái tạo bộ phận, xử lý bề mặt, và tạo hình 3D. Ví dụ như quá trình dùng khuôn để đúc cánh quạt, trước đây phải mất 4 tuần, thì hệ thống in 3D của TTGroup hiện nay có thể hoàn tất chỉ trong vòng 5 ngày.
Tương tự, Takisawa Technology cũng giới thiệu hệ thống điều hành sản xuất thông minh ứng dụng MES và IoT. Hãng cung cấp giải pháp qua điện thoại đi động để kiểm soát và phân tích hoạt động của từng bộ phận đến tổng thể nhà máy, cũng như phân tích từ nhập liệu đầu vào đến tồn kho đầu ra của nhà máy.
Theo ông Jack Yang, chuyên gia phân tích đến từ Viện nghiên cứu Topology của Đài Loan, sản xuất thông minh là nền tảng để tạo ra năng lực cạnh tranh khác biệt của những ngành công nghiệp trị giá ngàn tỷ USD, bao gồm hàng không, bán dẫn, máy móc, kim khí, IT, viễn thông, năng lượng, thực phẩm, dệt may… Dự báo, quy mô thị trường của hệ thống sản xuất thông minh đang tăng mạnh từ 225 tỷ USD năm 2017 lên đến 250 tỷ USD năm 2018 và dự báo sẽ đạt 320 tỷ USD vào năm 2020.
Bảo Trần