THCL Liên tiếp những thông tin về đồ chơi trẻ em nguồn gốc Trung Quốc chứa các chất có thể gây độc hại cho sức khỏe người sử dụng trong thời gian qua - khiến nhiều bậc phụ huynh vô cùng hoang mang, lo lắng cho sức khỏe của con em mình.
Bày bán công khai
Hầu hết các loại đồ chơi trẻ em không hợp chuẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn đang được bày bán tràn lan trên thị trường.
Tại nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Đường Láng, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương… hay trước cổng các trường học xuất hiện nhiều loại đồ chơi trẻ em được bày bán trên vỉa hè, bán rong trên các xe đẩy không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Các cửa hàng trên các phố Lương Văn Can, Hàng Mã… các mặt hàng đồ chơi trẻ em được bày bán la liệt mà không rõ nguồn gốc, không có tem chứng nhận chất lượng. Hiếm hoi có hộp đồ chơi dán nhãn tem nhưng lại là tem… photocopy. Có sản phẩm không có bao bì, nhãn mác. Có loại được đóng trong hộp giấy, nhưng nhãn mác lại toàn tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thường chị không để ý đâu là đồ chơi độc hại hay không độc hại, thấy con nhỏ đòi thì mua cho.
Đa phần đồ chơi trẻ em đang lưu hành trên thị trường được nhập từ Trung Quốc, do mẫu mã phong phú, đa dạng về chủng loại, giá rẻ, phục vụ mọi lứa tuổi trẻ em. Trong khi đó, hàng Việt Nam mẫu mã đơn điệu, không đáp ứng sở thích của trẻ, giá thành lại đắt…
Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều loại đồ chơi bằng vải, nhựa… “lậu” chứa hóa chất độc hại như thủy ngân, chì, cadimi có nguy cơ gây ung thư qua các mẫu thử ở những cơ sở kinh doanh. Ngoài những đồ chơi độc hại, đồ chơi nguy hiểm, bạo lực như súng, kiếm, đao, cung tên, giáo mác (thuộc hàng hóa cấm kinh doanh) cũng được bày bán tràn lan.
Tem CR làm khó…
Theo quy định, đồ chơi trẻ em phải được quản lý theo quy chuẩn QCVN3:2009/BKHCN. Không chỉ đồ chơi trẻ em nhập khẩu, mà cả hàng sản xuất trong nước cũng phải đạt yêu cầu kiểm định chất lượng, được chứng nhận và công bố hợp quy, gắn tem CR mới được lưu thông trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước cũng như hàng nhập khẩu vẫn không có tem CR, chỉ đơn giản là nhãn hoặc mã hàng hóa. Nhiều sản phẩm có tem CR nhưng lại được in sẵn luôn trên nhãn hàng hóa, không đúng với mẫu dấu của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phát hành, thậm chí có một số mặt hàng có tem CR nhưng là mẫu photocopy.
Đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình) cho biết: Về nguyên tắc, đồ chơi trẻ em có dán tem hợp quy (CR) là đồ chơi đã qua quá trình kiểm tra của cơ quan nhà nước, đạt các tiêu chuẩn an toàn cho trẻ nhỏ theo quy định. Tuy nhiên, việc dán tem CR hiện nay khá dễ dãi khiến việc quản lý trở nên khó khăn.
Mẫu tem CR khá đơn giản, chỉ có một vài thông tin như tên doanh nghiệp, thông số kỹ thuật, biểu tượng CR… Ngoài ra, không có điểm đặc trưng nào để phân biệt thật - giả. Hơn nữa, số lượng tem in bao nhiêu, in như thế nào, sử dụng ra sao cũng không được kiểm soát chặt chẽ.
Điều này tạo ra sự nhập nhằng giữa sản phẩm nhập lậu, chưa được kiểm định chất lượng với hàng hóa nhập khẩu chính ngạch. Cơ quan quản lý được quyền yêu cầu đơn vị kinh doanh cung cấp các hồ sơ nhập khẩu, kiểm định. Tuy nhiên, việc phân định loại nào đã được kiểm định, sản phẩm nào chưa còn bất cập. Điều này càng khó cho người tiêu dùng.
Với thực trạng tem giả được in tràn lan như hiện nay, thì ngay cả với những người thận trọng cũng sẽ bị rơi vào một ma trận mà không biết đâu là an toàn, đâu là độc hại. Do vậy, trước khi chờ các cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, các bậc cha mẹ cần lưu tâm khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ.
Thiên Đức - Duy Thế (Thương hi ệu & Công luận)