UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh hướng tới việc huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng PCCC.
Đối với các dự án thực hiện quy hoạch năm 2024-2030, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên phân bổ vốn làm các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư hạ tầng PCCC, cứu nạn, cứu hộ, phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt và khả năng cân đối nguồn lực.
UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu phát triển đồng bộ các loại hình giao thông, đáp ứng công tác PCCC của địa phương. Các tuyến đường, phố, ngõ trong khu dân cư cần từng bước mở rộng, nâng cấp, đảm bảo yêu cầu về giao thông để phục vụ việc chữa cháy.
TP. Hồ Chí Minh cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống bãi đỗ máy bay chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và trung tâm chỉ huy điều hành bay phục vụ công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, phương tiện trên sông, biển, cháy rừng.
Theo kế hoạch, TP. Hồ Chí Minh phải phát triển hệ thống thông tin liên lạc hiện đại phục vụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ, hiện đại hóa hạ tầng thông tin, hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy, hệ thống truyền tin báo sự cố; hoàn thành chuyển đối số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất.
UBND TP giao Công an TP. Hồ Chí Minh tổ chức công bố đầu tư phát triển hạ tầng PCCC thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng nhiều hình thức. Việc này nhằm tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp và người dân khi triển khai thực hiện.
Đồng thời, Công an TP. Hồ Chí Minh cần hoàn thiện mô hình tổ chức của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an mà trọng tâm là việc thành lập mới các đơn vị Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại khu vực trọng điểm.
UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức phối hợp với Công an TP. Hồ Chí Minh và các sở, ngành, bố trí nguồn lực, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung của địa phương.
UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị từng địa phương bố trí địa điểm đất xây dựng công trình hạ tầng phòng cháy, chữa cháy tại khu công nghiệp, khu dân cư, địa bàn trọng điểm nguy hiểm cháy, nổ. Những vị trí này cần bảo đảm thuận tiện về giao thông, nguồn nước, thông tin liên lạc…
Hoàng Bách(t/h)