Theo đánh giá của WCS buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã là một trong các nguyên nhân chính làm suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu, làm suy giảm quần thể hoang dã ở mức đáng báo động và gây ra tuyệt chủng cục bộ. Các nhóm tội phạm buôn bán động vật hoang dã đang ngày càng tinh vi, lợi dụng mạng lưới giao thương rộng lớn của Việt Nam để vận chuyển hàng hóa bất hợp pháp.

Trong những năm gần đây, buôn bán trái phép động vật hoang dã qua các tuyến đường biển đã trở thành một vấn nạn ngày càng phức tạp và khó kiểm soát. Đường biển trở thành một kênh quan trọng mà các đối tượng lợi dụng để vận chuyển các loài động vật hoang dã bị cấm buôn bán.

Theo WSC giai đoạn 2015-2021, động vật hoang dã thường bị buôn bán trái pháp luật tập trung các sản phẩm của 3 loài phổ biến như: Voi, tê giác, tê tê; với các hành vi vi phạm phổ biến và phương tiện thực hiện như: Buôn bán và vận chuyển, hầu hết các vụ việc sử dụng đường bộ với các phương tiện vận chuyển như xe máy, xe ô tô; hành vi nhập khẩu chiếm tỉ trọng thấp nhưng khối lượng động vật hoang dã bị tịch thu lại nhiều với các tuyến đường từ các nước Châu Phi về Việt Nam qua đường biển, đường hàng không. Lợi nhuận từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã tại Việt Nam, cụ thể doanh thu từ xuất khẩu hợp pháp động vật hoang dã khoảng 5,5 triệu USD, doanh thu từ buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã khoảng 66 đến 67 triệu USD/năm.

Nhận thức vai trò quan trọng của lực lượng hải quan trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi buôn bán động vật hoang dã trái phép, là tuyến phòng thủ đầu tiên tại biên giới đường hàng không, đường bộ và đường thủy, các công chức hải quan không chỉ cần sự nhạy bén, linh hoạt mà còn phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng về pháp luật, quy định liên quan đến động vật hoang dã cũng như các kỹ năng phát hiện các lô hàng bất hợp pháp.

Đây cũng là mục tiêu của chương trình tập huấn để cập nhật thông tin vi phạm pháp luật liên quan nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng hải quan trong công tác kiểm soát cũng như quản lý rủi ro đối với mặt hàng động vật hoang dã, phòng chống buôn bán động vật hoang dã qua đường biển.

Tại lớp tập huấn, đại diện các chuyên gia đến từ Tổng cục Hải quan, Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật... chia sẻ các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã của quốc tế và trong nước, các chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã bằng đường biển; cách thức nhận diện các loài và sản phẩm động vật hoang dã; nhận biết các loại giấy tờ hợp pháp cho việc xuất, nhập khẩu mặt hàng là động vật hoang dã; nhận biết các dấu hiệu cảnh báo vi phạm pháp luật về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã bằng đường biển cũng như chia sẻ thực tiễn phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã bằng đường biển tại địa bàn quản lý.

Trước đó, trong hai ngày 16,17/9/2024, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) tổ chức Khóa tập huấn về “Công tác phòng, chống buôn bán trái phép động vật hoang dã bằng đường biển” cho có 40 công chức, viên chức đến từ các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Quản lý rủi ro và Trường Hải quan Việt Nam) và các công chức thuộc 11 Cục Hải quan tỉnh, thành phố các tỉnh miền Bắc và miền Trung: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tham dự khóa tập huấn còn có các đại diện từ Tổ chức Wildlife Conservation Society, các chuyên gia và diễn giả thuộc các bộ, ngành của Việt Nam (Cục Ngoại vụ-Bộ Ngoại giao, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Vườn Quốc gia Tam Đảo).

H.M