Trong 10 tháng qua, TPHCM cấp 3.286 giấy phép xây dựng, với tổng diện tích sàn xây dựng là 980.537m². Đồng thời, UBND TP ban hành 8 quyết định giao đất cho nhà đầu tư với tổng diện tích 89.426,8m²; cấp 576 giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi; cấp lại 1.770 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
Số công trình sai phép tăng 40,5% so với năm 2016.
Trước đó, ngày 25/9, phát biểu tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn cho biết, hiện có gần 10% số lượng công trình nhà cao tầng vi phạm trật tự xây dựng. Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM nhận xét với tình hình phát triển đô thị như hiện nay, số lượng công trình nhà cao tầng chắc chắn còn tăng trong thời gian tới.
"Tình trạng này chắc chắn tăng trong thời gian tới. Đơn vị đầu tư luôn ứng dụng nhiều đổi mới, bản thân chúng ta phải tổ chức bộ máy con người để theo kịp, quản lý kịp, nếu không sẽ đi sau doanh nghiệp", ông Tuấn nói.
Để nâng cao năng lực quản lý về trật tự xây dựng, nhất là đối với nhà cao tầng, Sở Xây dựng dự tính đưa lực lượng thanh tra xây dựng về lại các quận, huyện. Khi đó họ sẽ được gọi là trật tự đô thị. "Các quận huyện thống nhất thì Sở sẽ trình kế hoạch lên UBND TP trong thời gian sớm. Nếu không đổi mới cơ chế, không thay đổi thì sẽ có bất cập, đùn đẩy, sơ hở trong quản lý xây dựng… giống quả bom nổ chậm không biết nổ khi nào", ông Tuấn nhận định và cho biết Sở cũng đang tham mưu Uỷ ban ban hành Chỉ thị nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm công chức vi phạm.
Số lượng công trình nhà cao tầng còn tăng trong thời gian tới
Ngoài ra, tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư, Ban Quản trị và cư dân ở những chung cư được đầu tư theo Luật Nhà ở đang diễn biến phức tạp - chiếm 8-10%. Mâu thuẫn xoay quanh quá trình đầu tư xây dựng và công tác quản lý, vận hành; tranh chấp phần sở hữu chung, riêng.
"Có dự án kinh phí quản lý vận hành chỉ 5-7 tỷ đồng nhưng cũng có dự án lên đến 70 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân dẫn đến xung đột và phần lớn các dự án có tranh chấp đều là chung cư được xây dựng theo Nghị định 90 của Chính phủ", ông Tuấn nói và chỉ ra nguyên nhân: "Nghị định 90 (hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Nhà ở) đã giao quyền cho chủ đầu tư quá lớn. Trong khi quyền quản lý của Sở Xây dựng và của UBND các quận huyện lại bị hạn chế, dẫn đến vi phạm pháp luật của chủ đầu tư...".
Về giải pháp, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, thời gian tới tiếp tục phân loại các vụ việc để tập trung xử lý... Đồng thời, Sở sẽ phối hợp các quận huyện tập huấn cho các Ban quản trị cũng như đơn vị vận hành chung cư. Vì thực tế hiện nay, năng lực của một số Ban quản trị chưa đạt, có nhận thức không đúng về pháp luật.
Không chỉ lo lắng về tình trạng gia tăng các vi phạm trật tự xây dựng, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP. HCM, nhiều ý kiến còn rất bức xúc trước thực tế nhiều khu đô thị, chung cư làm sai quy hoạch, chuyển đổi công năng từ các công trình phụ trợ thành nhà ở. Việc này đã và đang dẫn tới nguy cơ quá tải hạ tầng xã hội.
Cao Diên – Hải Dương