Top 500 DN lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 vừa được Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietnamNet công bố mới đây hé lộ những DN Việt Nam đứng đầu về lợi nhuận và bức tranh lợi nhuận cùng tỷ suất lợi nhuận của 500 DN hàng đầu Việt Nam xét về khả năng tạo lợi nhuận tốt.

Trong top 10 DN có lợi nhuận lớn nhất trong Bảng xếp hạng Profit500 bao gồm 4 DN nhà nước, 4 DN khu vực tư nhân và 2 DN FDI. Trong khi Samsung Việt Nam lên vị trí thứ 2 từ hạng 3 năm ngoái, Honda Việt Nam tụt 1 hạng xuống vị trí thứ 5.

DN có lợi nhuận tốt nhất tiếp tục là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Sau khi vị trí á quân về tay Samsung Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam xuống đứng vị trí thứ 2.

Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2019 (Nguồn: Vietnam Report)Top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2019 (Nguồn: Vietnam Report)

Đứng đầu bảng xếp hạng Profit500 năm nay có sự xuất hiện 9/10 gương mặt cũ. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam sau một năm bứt tốc lợi nhuận cũng lần đầu bước vào danh sách top 10 năm nay. Trong khi đó, VietinBank đã bước ra khỏi nhóm 10 và chỉ xếp hạng 20.

Dẫn đầu về số lượng DN trong 500 DN có lợi nhuận lớn nhất vẫn thuộc về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (23,9%), ngành thực phẩm đồ uống (11%), ngành tài chính (10,8%), ngành điện (8,6%) chiếm áp đảo so với các nhóm ngành còn lại.

Xét về chỉ số đo lường khả năng sinh lời, tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) bình quân của các DN Profit500 khoảng 11,9% có xu hướng tăng nhẹ từ mức 11% trong Bảng xếp hạng năm 2018. Điều đó cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của các DN Profit500 đang được cải thiện trong thời gian qua.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của các DN Profit năm nay cũng tăng lên 20,9% (so với mức 19% năm 2018), cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của các DN Profit500 có chiều hướng tốt hơn.

Theo loại hình sở hữu, DN trong nước trong Profit500 có khả năng sinh lời (ROA, ROE) thấp hơn  so với các DN FDI. Hiệu quả sử dụng vốn của các DN FDI vượt trội, với ROE của khối này là 26,4% so với mức 17,6% của khối DNNN.

Sự chênh lệch nhiều về khả năng sinh lời cho thấy năng lực cạnh tranh của các DN trong nước, mặc dù có cải thiện trong vài năm qua nhưng vẫn còn ở mức thấp và nếu không cải thiện sẽ bị tụt hậu so với các DN FDI năng động và hiệu quả.

Riêng các DN tư nhân, Top 10 lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 đều là các DN tên tuổi lớn, tập trung lĩnh ngân hàng, bất động sản, công nghiệp, hàng tiêu dùng. Tại bảng xếp hạng năm nay, Vingroup đã soán ngôi Vinamilk, trở thành DN tư nhân có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam.

Hằng Vương