Sáng 24/9, trong chương trình công tác tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai.
Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Đồng Nai và một số địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là diễn đàn quan trọng, là cơ hội tốt để các đối tác, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đối thoại với lãnh đạo tỉnh, để tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới, những tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, các dự án cụ thể của Đồng Nai; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Tại hội nghị, tỉnh Đồng Nai đã giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 155.000 tỷ đồng (6,2 tỷ USD).
Phân tích tiềm năng, lợi thế của Đồng Nai, các ý kiến tại hội nghị đánh giá tỉnh có diện tích 5.863 km2, lớn thứ hai vùng Đông Nam Bộ, có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực phát triển năng động hàng đầu cả nước.
Đồng Nai có các lợi thế sau:
- Là cửa ngõ kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, duyên hải miền Trung; Đồng Nai là mắt xích quan trọng trong liên kết vùng thông qua kết nối đa phương tiện: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
- Có diện tích đất trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái lớn, trên 190.000 ha; dẫn đầu cả nước về sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi quy mô công nghiệp.
- Có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, mệnh danh là thủ phủ công nghiệp (32 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp); thu hút FDI lớn (gần 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư gần 37 tỷ USD), có quy mô công nghiệp chế biến chế tạo lớn nhất cả nước.
- Có thế mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản; là "Lá phổi xanh" giữa miền Đông Nam Bộ với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai với diện tích 756.000 ha với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.
- Nguồn lực lao động dồi dào cho phát triển kinh tế. Toàn tỉnh có 3,3 triệu dân, chiếm 3,2% dân số cả nước và đứng thứ 5 cả nước (1,9 triệu lao động).
- Vùng đất văn hóa lịch sử lâu đời ở phương Nam; quá trình hình thành và phát triển gắn với các bậc hiền tài, danh nhân nhiều thế hệ.
- Có nhiều nghề thủ công truyền thống đặc sắc (như nghề gốm sứ, thủ công nghiệp truyền thống, chế biến nông sản, sản xuất gạch ngói, đúc đồng, đúc gang); có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, di sản thiên nhiên…
Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản. Năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 58,3%; khu vực dịch vụ chiếm 22,2% thì đến năm 2023, tương ứng là 9,2%: 60,5%; và 22,5%.
Hệ thống khu công nghiệp phát triển mạnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn (32 khu công nghiệp và 36 cụm công nghiệp, với trên 84% diện tích lấp đầy; trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đạt 37 tỷ USD).
Đồng Nai là trung tâm xuất khẩu, như giày dép, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện...; mặt khác còn xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp, như mủ cao su sơ chế, cà phê, lạc nhân, hạt điều…
Thủ tướng chỉ ra 3 yếu tố, tư tưởng quan trọng trong công tác quy hoạch: Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, cả nước, khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch gồm: Tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình với thứ tự ưu tiên để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong-bên ngoài).
PV/chinhphu.vn