Tỉnh Thái Nguyên huy động các nguồn lực để xử lý dứt điểm, phát hiện sớmcác ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh: ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép; chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, thu gom, buôn bán, giết mổ động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh....
Gần đây nhất vào khoảng 12 giờ 40 phút ngày 23-9, trên Quốc lộ 3 đoạn qua xóm 7, xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên, Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động của tỉnh đã kiểm tra và phát hiện xe ô tô tải mang biển kiểm soát 29C-171.96 do Dương Văn Sinh, trú tại xã Tân Kim huyện Phú Bình, điều khiển, đang vận chuyển 14 con lợn chết, bốc mùi hôi thối và 12 con lợn có biểu hiện lờ đờ, khó thở, vận động khó khăn, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Toàn bộ số lợn trên có tổng trọng lượng gần 800kg.
Theo khai báo, số lợn trên được Dương Văn Sinh mua của các thương lái không rõ địa chỉ ở huyện Định Hóa, mục đích là vận chuyển đến huyện Phú Bình để tiêu thụ kiếm lợi nhuận. Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, quá trình vận chuyển không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Hành vi này vi phạm quy định tại khoản 5, Điều 20 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 04/NĐ-CP và Nghị định số 07/NĐ-CP của Chính phủ).
Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động của tỉnh đã tiến hành lập biên bản vụ việc, tiêu hủy toàn bộ số lợn ốm, chết nêu trên và phun thuốc khử trùng tiêu độc theo quy định của pháp luật. Vụ việc đang tiếp tục được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trong thời gian tới các Sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng, tiêu thụ sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường giám sát, phát hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý các trường hợp có tiếp xúc với động vật ốm, chết để triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng, chống dịch.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh và đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả.
Hoàng Thiệp