Gỡ vướng trong giải ngân vốn đầu tư công

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tăng cường hoạt động, phát huy vai trò của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các đoàn công tác của Thành viên Chính phủ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024
Thủ tướng đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. (Ảnh minh họa).

Chính phủ đã tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công theo tinh thần đột phá, cải cách trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, tháo gỡ ngay các vướng mắc, điểm nghẽn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho bộ, ngành, địa phương, đồng thời cá thể hóa, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện gắn với nâng cao năng lực thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; sửa đổi Chương trình theo hướng quy định mức lãi suất ưu đãi hơn cho người mua nhà...

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/9/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Có 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp làm giảm tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Đánh giá về tiến độ thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, không đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này được cho là do chậm sửa đổi những vướng mắc về chính sách. Việc phân bổ kế hoạch vốn các năm chậm, phân bổ nhiều lần. Nhiều dự án ách tắc do giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Tại nhiều địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân…

Giải ngân vốn đầu tư công có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, hầu như năm nào cũng trong tình trạng phải “thúc ép”. Như năm nay, thời gian chỉ còn vỏn vẹn hơn một tháng nhưng mới chỉ giải ngân đạt hơn 47%, trong khi theo đúng tiến độ, hết quý III/2024 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt khoảng 60 - 80%.

Giải pháp nào thúc đẩy giải ngân đầu tư công?

Đề ra giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy mạnh đầu tư trong các ngành sản xuất kinh doanh chính. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 3 CTMTQG; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún; kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế; các địa phương phải chủ động cân đối nguồn lực của địa phương để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các CTMTQG. Bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn NSTW để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước; thu hút và thực hiện hiệu quả FDI; nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước; tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông, năng lượng.

Tính đến ngày 30/9/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
Tính đến ngày 30/9/2024, ước giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 320.566 tỷ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Liên quan tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng qua đang chậm, điều đáng lo ngại là tốc độ giải ngân tại các địa phương còn thấp hơn so với trung ương và so với cùng kỳ các năm trước, kể cả giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Thậm chí, một số địa phương còn có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Mặc dù Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cao là đạt 95% kế hoạch giải ngân trong năm nay, nhưng để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, đặc biệt là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ tại những địa phương còn chậm...

Thay thế kịp thời những cán bộ yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực

Trước yêu cầu cấp thiết trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực.

Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo quy định. Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, bám sát quá trình xử lý của các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Khắc phục triệt để tình trạng vốn chờ dự án, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ rõ vướng mắc ở dự án nào, khâu nào, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể. (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, Công điện cũng yêu cầu tháo gỡ "điểm nghẽn", vướng mắc trong giải ngân; giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan. Đồng thời chỉ rõ vướng mắc ở dự án nào, khâu nào, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể. Thanh toán khối lượng hoàn thành cho các dự án ngay khi đã đầy đủ hồ sơ.

Đây là những việc làm trước mắt, cần được triển khai quyết liệt và hiệu quả trong năm 2024. Về lâu dài, để hạn chế đến mức tối đa, tiến tới chấm dứt tình trạng “đủng đỉnh” trong giải ngân vốn đầu tư công, cần phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Đầu tư công nhằm tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019.

Và như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền. Tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đặc biệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế xin - cho để vốn đầu tư công thực sự là động lực tăng trưởng.

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng không đạt kỳ vọng khiến áp lực giải ngân những tháng cuối năm rất lớn với các bộ, ngành, địa phương. Trước yêu cầu cấp thiết này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được giao.

Bùi Quyền