Chương trình do Bộ Y tế phối hợp các đơn vị thực hiện nhằm kêu gọi người dân tham gia hiến mô, tạng cứu người. Dịp này, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến cũng trao Thủ tướng Phạm Minh Chính thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng.

"Hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác", Thủ tướng nói, nhấn mạnh ở Việt Nam đã có hàng nghìn người được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh "đăng ký hiến tạng cứu người là tình yêu, nghĩa cử cao đẹp nhất". Ảnh: VGP.

Ghép tạng là một trong những thành tựu quan trọng nhất của nền y học thế giới từ thế kỷ XX. Thủ tướng đánh giá hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng Việt Nam đạt được sự tiến bộ vượt bậc. 

“Mặc dù đi sau thế giới 50 năm và sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nhưng đến nay trình độ ghép tạng của Việt Nam đã ngang bằng nhiều nước và tỷ lệ sống sau ghép tạng ở Việt Nam còn cao hơn so với một số quốc gia phát triển, trong khi chi phí rẻ hơn rất nhiều”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là điều “rất tự hào”. 

Lấy dẫn chứng từ việc hồi tháng Tư, khoảng 120 thầy thuốc của nhiều bệnh viện với tinh thần khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng, đã kịp thời lấy tạng từ người cho chết não ở Quảng Ninh vận chuyển tới nhiều trung tâm trong cả nước để ghép tạng cứu 7 người, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh "đây là điểm sáng, là niềm tự hào, minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc, thể hiện trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu sắc, kinh nghiệm phong phú của chuyên ngành ghép tạng nói riêng và y học Việt Nam nói chung". 

Phát biểu tại lễ phát động, bà Đào Hồng Lan, bộ trưởng Bộ Y tế, gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình, người thân người hiến tạng đã đồng ý trao tặng sự sống cho người bệnh cần ghép tạng.

Bà Lan nói sau 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào năm 1992, đến nay ngành y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng.

Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam trao cho Thủ tướng thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh: VGP
Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam trao cho Thủ tướng thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng. Ảnh: VGP

Hiện nay trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam trở thành nước có số ca ghép tạng hàng đầu Đông Nam Á.

Trong những năm qua, Việt Nam có những tiến bộ trong việc vận động hiến tạng. Năm 2023, tỉ lệ người chết não hiến mô tạng đã tăng 15% so với năm trước. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng hằng năm.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng của người bệnh khi hơn 94% số tạng ghép đến từ nguồn hiến sống. Hiện nay nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng.

Ngay sau khi cùng các đại biểu phát động chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi”, Thủ tướng cho biết, cá nhân ông cùng gia đình đăng ký hiến mô tạng để góp phần tạo phong trào, xu thế đăng ký hiến mô, tạng trên cả nước.

                                Theo chinhphu.vn