Đầu mùa đông, trên khắp các cửa hàng chuyên bán chăn ga gối đệm đều treo biển giảm giá, thậm chí giảm giá đến 60%. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như đó chỉ là chiêu câu khách. Vấn đề đặt ra ở đây, trong số các mặt hàng siêu giảm giá này có sự xuất hiện của không ít các thương hiệu lớn như Everon, Sông Hông, Hanvico…

Giá niêm yết “cắt cổ”?

Hí hửng vừa mua được bộ chăn ga chất liệu cotton lụa của Hanvico với giá 2 triệu đồng trong khi giá niêm yết lên đến 5,5 triệu đồng, chị Phạm Thùy Lan (Đại Kim, Hà Nội) liền trải ngay mà không cần giặt rồi up lên trang cá nhân khoe bạn bè. Chị Đào Thị Thảo (Từ Liêm) bỏ cả việc cơ quan lao vào cửa hàng đang siêu giảm giá chăn ga gối đệm với hy vọng chọn được bộ chăn ga Everon như ý, giá rẻ để đón mùa đông. Chị Thảo cho biết “Từ lâu mình đã muốn có bộ chăn ga của Everon, mỗi tội giá cao quá, chả dám bén mảng, nghe bạn bè mách ở đây giảm giá hàng Everon đến 60% nên phải đến ngay”. Không chỉ có phụ nữ mải mê với chăn ga, anh Phạm Nhật Minh (Hà Đông) cũng phải bỏ việc cơ quan để đi tìm mua bộ chăn ga giảm giá của Sông Hồng đang chào bán trên mạng cho vừa ý vợ. Vợ anh nghỉ sinh ở nhà, lên mạng thấy có cửa hàng chăn ga Sông Hồng giảm giá 60% liền bắt chồng đến mua cho bằng được vì sợ bỏ mất cơ hội lớn. “Vợ tôi bảo giá niêm yết cao lắm, chắc nhà sản xuất nhân dịp đầu đông giảm giá kích cầu”- anh Minh cho biết.

Các “thượng đế” không hề biết rằng họ đang chỉ mua được những chiếc mác Hanvico, Sông Hồng hay Everon… mà chưa thực sự mua được sản phẩm của thương hiệu này. Đi một vòng dạo quanh thị trường chăn ga gối đệm Hà Nội thì thấy đại đa số các cửa hàng siêu giảm giá đều không phải là đại lý chính thức của các thương hiệu nổi tiếng. Đại lý chính hãng của các thương hiệu trên chỉ giảm giá khiêm tốn từ 10-20%. Vậy những chiếc chăn, ga mang thương hiệu nổi tiếng kia từ đâu mà đến?

Made in “Hà Nội 2”

Theo thông tin chia sẻ từ một tay buôn chăn ga gối chuyên nghiệp chuyên đổ hàng cho các cửa hàng siêu giảm giá kia thì những chiếc chăn ga gối đệm siêu giảm giá gắn mác các thương hiệu nổi tiếng có xuất xứ từ “Hà Nội 2”. Cụ thể là từ các xưởng sản xuất thủ công ở Thường Tín, Hoài Đức... Vải chủ yếu được nhập từ Trung Quốc có hoa văn nhái các hãng nổi tiếng sau đó may gia công thành chăn, ga, gối. Nhãn mác được mua từ  chợ Đồng Xuân. Hoa văn giống hãng nào thì thợ may tự gắn mác cho phù hợp. Đệm bông ép được sản xuất từ các loại sợi bông công nghiệp loại 2,3 hoặc bông tái chế. Bông công nghiệp này cũng nhập từ Trung Quốc để hạ giá thành. “Thời buổi kinh tế khó khăn, hàng chính hãng giá cao khó bán, hàng này mới có đất sống. Cùng là đệm, thay vì bỏ ra 5 triệu, khách hàng chỉ phải bỏ ra 1 triệu thôi, mà cũng là hàng có tên tuổi sang như ai”… - tay buôn quảng cáo.

Có một thực tế, nhiều cơ sở sản xuất tư nhân đầu tư lớn nhưng không có thương hiệu, không có thị trường nên ngậm ngùi chẳng gắn tên tuổi, phó mặc tên tuổi cho “thị hiếu” người tiêu dùng hoặc gắn mác giả và như thế, họ đã đưa hàng nhái kém chất lương vào thị trường, siêu giảm giá, đánh lừa người tiêu dùng. Tuy nhiên đây là những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng có lẽ cần có cơ chế quản lý và giám sát chặt hơn nữa. Các cơ quan chức năng đã làm gì để kiểm soát các cơ sở sản xuất gia công này? Các thương hiệu nổi tiếng đang bị gắn mác tràn lan để đánh lừa người tiêu dùng đã, đang và sẽ làm gì để bảo vệ thương hiệu? Các cơ sở sản xuất nhỏ đang làm gì để chiếm lĩnh thị phần? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thanh Bình