Long An là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp với TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh về phía Đông; giáp với Campuchia về phía Bắc; giáp với tỉnh Đồng Tháp phía Tây và giáp tỉnh Tiền Giang về phía Nam. Vì vậy, có thể coi Long An là gạch nối giữa Đồng bằng sông Cửu Long và TP. HCM, giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Đông và Tây Nam Bộ, với những lợi thế bổ sung cho nhau tạo thành liên kết vùng hoàn hảo. 

Long An dẫn đầu thị trường bất động sản ven Sài Gòn. Ảnh internet.
Long An dẫn đầu thị trường bất động sản ven Sài Gòn. Ảnh internet.

Với vị trí địa lý đặc biệt này, Long An sở hữu các ưu thế để phát triển công nghiệp và nông nghiệp, cũng rất thuận lợi để trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của Vùng, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP. HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.

Nhờ khai thác đồng bộ, hiệu quả các lợi thế vượt trội, riêng có của địa phương; đồng thời nỗ lực thực hiện vai trò, trách nhiệm của một địa phương được xem là động lực tăng trưởng của vùng. Thời gian gần đây, Long An đã bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu, luôn là một trong những tỉnh thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất cả nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An có hơn 18.000 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký hơn 379.711 tỉ đồng. Tỉnh cấp mới 16 dự án với tổng vốn hơn 2.800 tỉ đồng; toàn tỉnh có 2.215 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 300.786 tỉ đồng. Tỉnh cấp mới 44 dự án FDI, tăng 12 dự án với vốn cấp mới hơn 226 triệu USD. Hiện trên địa bàn tỉnh có 1.301 dự án FDI, tổng vốn hơn 11,2 tỉ USD; trong đó có 635 dự án đi vào hoạt động, vốn hơn 4,2 tỉ USD.

Đồng thời, Long An cũng đang tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, hướng đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hàng đầu của cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tận dụng cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi… tại các khu, cụm công nghiệp rộng khắp và trải dài trên địa bàn tỉnh.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhìn vào quyết tâm của Long An khi thực hiện các kế hoạch và phát triển đô thị nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Có thể nói, Long An đang đi đúng hướng khi tập trung phát triển hạ tầng, phục vụ cho quá trình phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội, để trở thành "tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước".

Còn TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Với kế hoạch phát triển hạ tầng đã được chính quyền tỉnh quyết tâm thực hiện trong thời gian tới, rất dễ thấy, Long An hoàn toàn có thể trở thành địa phương giữ vai trò quan trọng trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Sắp tới đây, rất nhiều hạ tầng kết nối vào năm 2025 – 2026 sẽ mở ra triển vọng phát triển cho Long An cũng như hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050".

Long An còn được ví là cửa ngõ nối thông TP.HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Long An được ví là cửa ngõ nối thông TP. HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dựa trên những luận điểm đã phân tích về lợi thế phát triển của tỉnh Long An, các chuyên gia cấp cao của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Long An có nhiều thuận lợi để bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.

Là một thị trường còn nhiều dư địa phát triển, bất động sản Long An không chỉ chiếm ưu thế về vị trí đắc địa mà còn bởi quỹ đất trống khổng lồ đang hiện hữu. Bên cạnh đó, Long An là địa phương có tỷ lệ nhập cư đứng thứ 7 cả nước, cao hơn cả Hà Nội.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ nhập cư tại Long An luôn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định. Cứ 1.000 người ở Long An thì có 47 người nhập cư chuyển tới. Giai đoạn 2009 - 2021, Long An có tỷ lệ tăng trưởng dân nhập cư gần 2% dân số mỗi năm. Với gần 1,6 triệu dân thì có 1 triệu dân đang trong độ tuổi lao động, trong đó 71% số lượng dân đã được qua đào tạo cơ bản.

Chưa kể, thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng tại Long An có xu hướng tăng trung bình khoảng 12%/năm. Giai đoạn 2016 – 2019, Long An là địa phương có thu nhập bình quân đầu người theo tháng cao nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khi thu hút FDI tăng, cùng việc đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, thu nhập của người lao động được kỳ vọng sẽ tiếp tục được nâng cao, từ đó kéo theo tăng khả năng chi trả nhà ở.

Đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp đầu tư vào Long An và cũng cho thấy nguồn cầu rất triển vọng cho thị trường bất động sản Long An, trong đó nổi bật là thị trường nhà ở và thị trường bất động sản khu công nghiệp, bất động sản logistics.

Dù vậy, thị trường bất động sản Long An vẫn chưa phát triển đồng đều mà có sự chênh lệch rõ ràng giữa các phân khúc. Trong đó, phân khúc đất nền vẫn là chủ đạo và ghi nhận hoạt động sôi nổi suốt thời gian qua, tiếp đến là phân khúc nhà liền thổ. Căn hộ là phân khúc có nguồn cung hạn hẹp nhất tại thị trường Long An. Những năm về trước tại Long An chỉ có nguồn cung là căn hộ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, với tỷ suất nhập cư cao như hiện tại, nhu cầu về nhà ở trong đó có nhu cầu sở hữu căn hộ sẽ thúc đẩy thị trường này tại Long An, trở thành phân khúc tiềm năng trong tổng hòa bức tranh chung của thị trường bất động sản.

"Với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng gắn với bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự tăng trưởng bền vững, Long An đã được các Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản trong nước và các doanh nghiệp lớn trên thế giới lựa chọn là điểm dừng chân tiếp theo. Từ các dự án công nghiệp trị giá hàng trăm triệu đô đến những khu đô thị quy mô lớn, tất cả đều cho thấy thị trường bất động sản Long An đang ở giữa thời điểm "chín muồi".

Do đó, cả bất động sản công nghiệp, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở và du lịch đều có cơ hội phát triển ở thời điểm này. Thị trường bất động sản Long An sẽ có những biến động lớn, tích cực vào giai đoạn cuối năm 2024 đến quý III/2025, khi thị trường bất động sản cả nước thực sự trở lại đường đua tăng trưởng mạnh mẽ.

Thuận Yến (t/h)