Lực lượng chức năng khảo sát lấy mẫu đánh giá mức độ ô nhiễm tại điểm tồn lưu hóa chất BVTV thuộc xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa).
Lực lượng chức năng khảo sát lấy mẫu đánh giá mức độ ô nhiễm tại điểm tồn lưu hóa chất BVTV thuộc xã Thiệu Phúc (Thiệu Hóa).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 82 cơ sở, điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để, trong đó có 45 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), 5 làng nghề, 7 bãi chôn lấp rác thải, 1 khu vực bị ô nhiễm xăng dầu... Theo các giai đoạn xử lý: 2003-2007, 2013-2015, 2015-2020, đến nay đã có 37/82 cơ sở, điểm được xử lý triệt để ô nhiễm và rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: 23 bệnh viện, 13 điểm tồn lưu hóa chất BVTV và 1 khu vực Hồ Thành.

Từ số liệu thống kê cho thấy, trong số các cơ sở, điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang được xử lý, số điểm tồn lưu hóa chất BVTV chiếm nhiều nhất. Số điểm này tập trung chủ yếu ở các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Thọ Xuân, thị xã Nghi Sơn... Đại diện ngành chức năng cho rằng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân từ tình trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn dư là không hề nhỏ. Do vậy, việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm này là hết sức cần thiết và cấp bách. Từ khi thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay, toàn tỉnh đã xử lý triệt để 13 điểm tồn lưu hóa chất BVTV tại một số địa phương như: xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), phường Hải An (thị xã Nghi Sơn), xã Minh Tâm (Thiệu Hóa), xã Minh Sơn (Triệu Sơn)...

Cũng theo đánh giá từ ngành chức năng, sau khi được xử lý, kết quả nồng độ thuốc BVTV ở các điểm là dưới tiêu chuẩn cho phép. Điều này cũng cho thấy, việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn dư đã đạt kết quả khả quan, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, góp phần cải thiện và phục hồi môi trường tại khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 32 điểm tồn lưu hóa chất BVTV cần được xử lý. Trước thực trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với Trung tâm Phân tích và chuyển giao công nghệ môi trường thuộc Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam khảo sát, lấy mẫu phân tích, đánh giá hiện trạng 32 điểm tồn lưu hóa chất BVTN. Qua khảo sát lấy mẫu đánh giá, còn 27 điểm tồn lưu hóa chất BVTV có nồng độ ô nhiễm thấp hơn QCVN 54:2013/BTNMT. Theo đó, Sở TN&MT đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định đưa 27 điểm trên ra khỏi danh sách các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và thông báo cho các địa phương có điểm tồn lưu là khu vực không bị ô nhiễm theo quy định.

Đối với 5 điểm còn lại gồm: Khu vực tồn lưu hóa chất BVTV Nhà máy hóa chất Trung Hưng, phường An Hưng (TP Thanh Hóa); kho chứa hóa chất BVTV tại Trạm BVTV Cổ Điệp, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc); kho chứa hóa chất BVTV Đình Thôn 1, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc); điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp cũ, xã Vạn Hòa (Nông Cống) và điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp cũ thuộc phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn) vẫn phải tiếp tục điều tra, đánh giá chi tiết. Bởi qua phân tích mẫu đánh giá các điểm này có nồng độ chất ô nhiễm cao hơn so với quy chuẩn QCVN 54:2013/BTNMT. Đơn cử như tại khu vực tồn lưu hóa chất BVTV Nhà máy hóa chất Trung Hưng, phát hiện DDT có nồng độ từ 2,893 (mg/kg) - 422,65(mg/kg). Mẫu cao nhất gấp 89,92 lần so với QCVN 54:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng xử lý hóa chất BVTV hữu cơ khó phân hủy tồn lưu theo mục đích sử dụng đất - nhóm 3 đất phi nông nghiệp, giá trị DDT theo quy chuẩn là 4,7 mg/kg. Tại kho chứa hóa chất BVTV thuộc Trạm BVTV Cổ Điệp, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc), có 3 mẫu có hàm lượng DDT cao hơn từ 5,5 đến 5,9 lần so với quy định tại QCVN 54:2013/BTNMT. Tại kho chứa hóa chất BVTV Đình Thôn 1, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc), phát hiện chỉ tiêu DDT tại 15/15 mẫu đất lấy tại cả 5 vị trí, có nồng độ từ 0,022 đến 19,308 mg/kg...

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường, hiện Sở TN&MT đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng phương án điều tra, đánh giá chi tiết 5 điểm tồn lưu hóa chất BVTV trên để làm cơ sở lập dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường theo quy định, góp phần cải thiện và phục hồi môi trường cũng như bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân.

An Nhiên