Vi phạm về đất đai đang là yếu tố tiềm ẩn gây mất an ninh trật tự tại địa phương, nhiều vụ án tham nhũng ở tỉnh cũng xuất phát từ các vi phạm trong lĩnh vực này.

Người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật về đất đai tại khu vực Trung tâm văn hóa, thể thao xã Tề Lỗ. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN
Người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật về đất đai tại khu vực Trung tâm văn hóa, thể thao xã Tề Lỗ. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TTXVN

Để phòng ngừa, ngăn chặn vấn đề phức tạp trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc liên tục ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo; trong đó có Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 16/3/2020 về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Theo Kế hoạch này, tỉnh giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố mỗi năm phải xử lý dứt điểm 20% vụ việc tồn đọng và vi phạm, kiên quyết xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý không phát hiện ra sai phạm về đất đai, quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương yếu kém, người dân xâm lấn, xây dựng trái phép, không thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn...

Sau hơn 4 năm triển khai Kế hoạch 54, các ngành và địa phương trong tỉnh đã vào cuộc xử lý quyết liệt, đạt nhiều kết quả tích cực. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 14 cuộc thanh, kiểm tra với hơn 100 tổ chức; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trong quản lý, xử lý dứt điểm tồn tại vi phạm về đất đai cho các địa phương. Công an tỉnh đã trực tiếp phát hiện, xử lý 93 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, ra quyết định xử phạt 66 trường hợp; điều tra phát hiện và khởi tố hình sự 7 vụ án vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai với 13 bị can. Đồng thời, tham mưu UBND cấp huyện, xã xử lý dứt điểm hơn 1.900 trường hợp vi phạm cũ và hơn 330 trường hợp vi phạm mới phát sinh về đất đai, trong đó ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với gần 70 trường hợp.

Sở Giao thông vận tải phối hợp với địa phương, đơn vị chức năng giải tỏa 86.500m2 lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông đường bộ, thu giữ nhiều vật dụng lấn chiếm, ban hành 20 quyết định xử lý vi phạm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện 30 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến đất thủy lợi, trực tiếp xử lý dứt điểm nhiều vụ vi phạm, số còn lại đã chuyển hồ sơ vi phạm đến các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thủy lợi, UBND các huyện, thành phố xử lý theo thẩm quyền...

Theo thống kê, Vĩnh Phúc có tổng số trường hợp tồn tại vi phạm đất đai phát sinh trước ngày 16/3/2020 là 17.335 trường hợp với tổng diện tích 608,76ha. Năm 2023, toàn tỉnh đã xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm pháp luật về đất đai với tổng diện tích 80,8 ha. Từ ngày 16/3/2020 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã xử lý 12.000 trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai với diện tích 389 ha, đạt 69,2% tổng số vi phạm. Lũy kế đến tháng 9/2024, toàn tỉnh đã xử lý 76% tổng số trường hợp vi phạm. Hiện, Vĩnh Phúc vẫn còn hàng nghìn trường hợp tồn tại, vi phạm về đất đai chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm do chưa xác định được nguồn gốc, trường hợp lấn chiếm, lịch sử đất đai phức tạp...

Thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục ngăn chặn và xử lý những trường hợp vi phạm về đất đai. Cùng với đó, xử lý số vụ vi phạm pháp luật về đất đai phát sinh sau ngày 16/3/2020 (sau Kế hoạch số 54/KH-UBND); tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh phát sinh thêm 190 vụ vi phạm pháp luật về đất đai với tổng diện tích hơn 5ha chưa được xử lý...

Theo TTXVN