Toàn cảnh nhà máy gạch tuynel Sơn Trung Hiếu, trại lợn quy mô lớn của Công ty CP Lợn giống Dân Quyền và cơ sở phân loại và tái chế bao bì nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh nhà máy gạch tuynel Sơn Trung Hiếu, trại lợn quy mô lớn của Công ty CP Lợn giống Dân Quyền và cơ sở phân loại và tái chế bao bì nhìn từ trên cao.

Nhà máy gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Trung Hiếu có địa chỉ tại QL47, Thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã đầu tư trên 60 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ mới với hệ thống dây chuyền hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay.

Nhà máy đã đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại với công nghệ bán dẻo, gồm máy nghiền, đập nguyên liệu liên hợp, kho ủ, lò nung tuynel, hệ thống băng tải, máy xếp gạch tự động, xe goòng...

Thế nhưng, nhà máy gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu chỉ chú trọng áp dụng các công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất để giảm thiểu các chi phí, giảm nhân công. Còn vấn đề ô nhiễm môi trường cho người dân địa phương thì đang được bỏ ngỏ?.

Trong nhiều năm qua, nhiều người dân ở xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hoá) đang sống trong cảnh ô nhiễm không khí được thải ra từ các nhà máy đóng trên địa bàn.

Nhà máy gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu có địa chỉ tại QL47, Thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Nhà máy gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu có địa chỉ tại QL47, Thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Vừa tới đầu thôn 4, nằm dọc Quốc lộ 47 thuộc xã Dân Quyền chúng tôi đã nghe những tiếng than thở khi người dân phải sống chung với ô nhiễm môi trường từ nhà máy gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sơn Trung Hiếu) xả thải suốt nhiều năm qua.

Ngoài ra, những năm trở lại đây, ô nhiễm lại chồng chất ô nhiễm khi tại thôn 4 xã Dân Quyền lại mọc thêm trại lợn quy mô lớn của Công ty CP Lợn giống Dân Quyền và cơ sở phân loại và tái chế bao bì thuộc xã Dân Lực cách thôn 3, thông 4 xã Dân Quyền không xa.

Sống trong cảnh ô nhiễm trong nhiều năm qua và phải chịu đựng mùi khói thải đã tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sức khoẻ của người dân nơi đây. Đặc biệt, bệnh nhân bị ung thư tại xã Dân Quyền cũng nhiều bất thường, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn để có kết luận cụ thể nguyên nhân và hướng giải quyết.

Theo người dân địa phương, nhà máy gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu được xây dựng ở đây từ khoảng năm 2005, vận hành đốt liên tục. Lúc cao điểm, mỗi ngày nhà máy đốt hàng chục vạn gạch. Gần đó, một xưởng tái chế nhựa và chất thải hoạt động nhiều năm qua, với hoạt động đốt nhựa độc hại, những làn khói đen bốc lên hòa vào không khí. Mỗi khi gió Nam thổi lên, không chỉ ở thôn 4 mà nhiều khu dân cư các thôn khác cũng chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, trại lợn Dân Quyền từ nhiều năm nay cũng thải ra mùi hôi thối.

Ông Lê Xuân Sáu (60 tuổi, thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá)
Ông Lê Xuân Sáu (60 tuổi, thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá)

Chia sẻ với PV Thương hiệu Công luận, ông Lê Xuân Sáu (60 tuổi, thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) nhà sát cạnh nhà máy gạch bị ám ảnh mỗi khi chứng kiến cảnh nhà máy nhà máy gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu hoạt động, xả thải với những đám khói đen ngòm từ ống khói phun lên, sau đó lan toả ra khắp bầu trời.

Theo ông Sáu, trước đó khu vực nhà máy gạch này là sân bóng, khu thể thao nên gia đình ông mới quyết định mua đất và chuyển về đây sinh sống với mong muốn mở một cửa hàng tạp hoá phục vụ người dân. Tuy nhiên, sau khi gia đình tôi mua đất làm nhà thì khu đất trước của nhà được xây thành nhà máy gạch, lúc này mọi kế hoạch của gia đình gần như tan biến.

“Gia đình tôi mua đất và ở được 22 năm qua, thì gần từng ấy năm sống chung với khói bụi và ô nhiễm từ nhà máy gạch phun ra. Trước kia, nhà tôi trồng hơn 2 mẫu cây ăn quả, những năm đầu quả đậu rất nhiều, cho năng suất cao. Tuy nhiên, từ khi nhà máy gạch đi vào hoạt động, 2 mẫu cây ăn quả nhà tôi không thể ra quả, ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, không chỉ riêng nhà tôi mà còn nhiều hộ gia đình khác cũng trong tình trạng như vậy, họ phải chuyển sang trồng keo”, ông Sáu cho biết thêm.

Cũng theo ông Sáu, nhiều năm trở lại đây cũng tại thôn 4 xã Dân Quyền lại mọc thêm trại lợn quy mô lớn của Công ty CP Lợn giống Dân Quyền và cơ sở phân loại và tái chế bao bì của xã bên cạnh, đã tạo thành một thế gọng kìm xả thải gây ô nhiễm vây hãm cả xã mà đặc biệt là người dân thôn 3, thôn 4 của chúng tôi. Các nhà máy, trại lợn nói trên ngang nhiên xả chất thải, khói bụi ra môi trường khiến người dân chúng tôi sống trong cảnh lo lắng và bất an.

Cột khói đen ngòm bốc cao hàng chục mét, hoà vào không khí trên bầu trời ở xã Dân Quyền (Ảnh do người dân cung cấp).
Cột khói đen bốc cao hàng chục mét, hoà vào không khí trên bầu trời ở xã Dân Quyền (Ảnh do người dân cung cấp).

Ông Sáu nói tiếp, từ làng trên xóm dưới, rất nhiều người dân mắc bệnh về đường hô hấp. Trong đó, bệnh ung thư là chiếm nhiều nhất, phần đa là những người từ 40 – 65 tuổi.

“Từ làng trên xóm dưới rất nhiều bệnh nhân ung thư. Tôi rất nghi ngờ, một trong những nguyên nhân chính người dân mắc ung thư là do phải sống ở môi trường ô nhiễm suốt nhiều năm. Tuy nhiên, việc này phải cần vào cuộc của lực lượng chức năng để có câu trả lời chuẩn xác nhất”, ông Sáu nói.

Những năm qua, ông Sáu và nhiều người dân cũng đã tính nhẩm với nhau, toàn thôn 1, thôn 3 đã có rất nhiều người ở độ tuổi 40 – 65 bị ung thư, trong đó đa phần bị bệnh là do phổi và thực quản. Còn khu vực thôn 4 gần sát nhà máy gạch, trại lợn và cơ sở tái chế nhựa, mất do ung thư đã vài chục người.

Vừa bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, bà Phạm Thị Đảng (75 tuổi, ở thôn 4, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá) chỉ biết thốt lên: “Ở đây bệnh nhân ung thư nhiều lắm, đếm không xuể. Chúng tôi già rồi, chết cũng được, nhưng xin hãy cứu lấy những người trẻ”.

Theo bà Đảng, để giảm ô nhiễm từ khói bụi, căn nhà bà luôn khoá cửa hoặc dùng bạt để che chắn. “Rất nhiều người dân đã phản ánh qua các đợt tiếp xúc cử tri, lãnh đạo UBND xã nói cũng đã phản ánh lên huyện và cấp trên. Lực lượng chức năng cũng đã xuống kiểm tra nhà máy gạch và trang trại lợn. Đối với nhà máy gạch chúng tôi cũng không thấy có thông báo gì thêm sau mỗi lần kiểm tra, còn đối với trang trại lợn, có kết luận là bể chứa không bảo đảm, phía doanh nghiệp cần phải khắc phục. Tuy nhiên, sau đó mọi việc lại đâu vào đó và người dân vẫn chịu những nguồn thải kéo dài trong nhiều năm”, bà Đảng thông tin.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Cảnh Tiến – Chủ tịch UBND xã Dân Quyền cho biết, ông về vừa đây nhận nhiệm vụ và cũng đã chứng kiến cảnh khói đen phun ra từ nhà máy gạch. Tuy nhiên, những ngày gần đây thì không thấy nữa, phải chăng là do mưa bão nên gạch không thể bán ra thị trường, mấy ngày nay tôi thấy nhà máy gạch đang tạm dừng sản xuất.

“Ngoài trực tiếp thấy tận mắt, chúng tôi cũng đã nhận được lời phản ánh của người dân qua các đợt tiếp xúc cử tri, UBND xã cũng đã báo cáo lên huyện và cấp trên. Lực lượng chức năng cũng đã xuống kiểm tra nhà máy gạch và trang trại lợn. Đối với nhà máy gạch, chúng tôi cũng đang chờ kết quả, sau đó mới có hướng giải quyết”, Ông Tiến cho biết thêm.

Từ thực tế suốt nhiều năm qua, không chỉ nhà máy sản xuất gạch Tuynel Sơn Trung Hiếu, cơ sở tái chế nhựa, trang trại lợn đang gây ô nhiễm môi trường  đối với người dân xã Dân Quyền và các xã lân cận, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết triệt để. Vụ việc nói trên đã và đang tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Vì sao việc này xảy ra thời gian dài mà các cơ quan chức năng chưa vào cuộc giải quyết dứt điểm? Câu hỏi này chúng tôi xin gửi đến UBND huyện Triệu Sơn và các cơ quan có thẩm quyền.

Lê Nam