Sản phẩm ống hút tre của Công ty TNHH ViBaBo đạt hạng 4 sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Tỉnh Thanh Hóa có nhiều sản phẩm đặc trưng có tiềm năng có thể xây dựng thành sản phẩm OCOP. Do đó, Chương trình OCOP bước đầu được hình thành ở địa phương đã thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân ở tỉnh Thanh Hóa tham gia, qua đó giúp các địa phương tìm kiếm, phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh.
Cụ thể, sau 1 năm triển khai chương trình OCOP, Thanh Hóa có 42 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh với 2 sản phẩm được nâng hạng 5 sao và 37 sản phẩm xếp hạng 3 sao.
Để đưa các sản phẩm OCOP rộng rãi ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, tiêu thụ hiện nay để đông đảo người tiêu dùng biết đến, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan hình thành 4 địa điểm được chọn trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, tại: Trung tâm Trưng bày hàng hóa tỉnh Thanh Hóa của Chi nhánh VCCI (số 91 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ); quầy bán hàng trong chung cư Xuân Mai (phường Đông Hải); cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa (số 567 Quang Trung 3, phường Đông Vệ) và quầy hàng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (18, đường Hạc Thành, phường Điện Biên).
Ngoài ra, tại mỗi điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm đều có các sản phẩm hàng hóa đặc trưng các vùng, miền tại tỉnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm tiềm năng đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng.
Thời gian qua, để xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 13 sản phẩm đạt sao OCOP với mức hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm để thực hiện các nội dung tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; in tem, nhãn, QR code; in bao bì sản phẩm...
Nhờ đó, Thanh Hóa đã có 42 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 - 5 sao, với 2 sản phẩm 5 sao đã đề xuất trở thành sản phẩm OCOP quốc gia là nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt và mắm tôm Lê Gia (Hoằng Hóa). Theo quy định, chứng nhận xếp hạng sao sản phẩm của Chương trình OCOP có giá trị trong 3 năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm nói trên được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm, được hỗ trợ phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP.
Theo ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Xây dựng Nông thôn mới Thanh Hóa cho biết, để các sản phẩm OCOP Thanh Hóa ngày càng phát triển, tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh, thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều hơn các chương trình kết nối giao thương sản phẩm nhằm thúc đẩy tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, mang tới người tiêu dùng thêm nhiều sản phẩm chất lượng tốt, góp phần phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.
Thời gian tới, để chương trình đạt kết quả cao, các địa phương của Thanh Hóa cần tiếp tục tạo điều kiện hình thành và phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đặc trưng mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chí đăng ký tham gia chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, sự đổi mới về tư duy, cách làm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm, ứng dụng khoa học – công nghệ cho đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường... là yếu tố quyết định thành công của chương trình.
Hoài Thu