Theo đó, nhằm tạo cơ sở cho việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện Quyết định số 270/2011/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hạt giống lúa lai F1, đã hỗ trợ 34,07 tỷ đồng với diện tích được hưởng chính sách là 3.462 ha; Quyết định số 271/2011/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đã hỗ trợ 29,02 tỷ đồng; Quyết định số 618/2013/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách phát triển sản xuất rau an toàn, tập trung, đã hỗ trợ 33,8 tỷ đồng...
Trong giai đoạn 2016-2020, đã ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 5643/2015/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 5637/2015/QĐ-UBND về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 (đã phân bổ 404,906 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất 244,5 ha rau an toàn tập trung chuyên canh, 57,4 ha sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hằng năm cho 374,5 ha sản xuất rau an toàn, xây dựng 74 cửa hàng kinh doanh rau an toàn.
Đồng thời, Thanh Hóa hỗ trợ 71,388 tỷ đồng nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phát triển 23 khu trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP); bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 192/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Ban hành kế hoạch xây dựng các mô hình thí điểm về an toàn thực phẩm đến hết năm 2018. Áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Các cơ chế, chính sách được triển khai thực hiện giúp hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt, quy mô sản xuất hàng hóa ngày càng lớn và đa dạng, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Thanh Hóa thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của địa phương và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng sản xuất; hình thành, kết nối các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đồng thời, Thanh Hóa giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; thay đổi từ nhận thức đến hành động trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Hoài Thu