Có rất nhiều người hiện đang sinh sống, làm việc ở TP. HCM là người con của Hà Nội, hoặc có những năm tháng tuổi thanh xuân học tập tại Hà Nội... nên trong họ vẫn da diết nhớ về Thủ đô yêu dấu, đặc biệt khi Thu sang, Đông đến và Xuân về... |
Những năm bom đạn
Những ngày Tháng Mười lịch sử, trong ngôi nhà trên đường Nhật Tảo sầm uất, sôi động bậc nhất quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), bà Dương Thị Kim Chi (sinh năm 1951) vẫn cặm cụi công việc dọn dẹp nhà cửa hàng ngày. Tại đây, người dân vẫn thường gọi bà bằng cái tên trìu mến “Chi Hà Nội” không chỉ vì bà sinh ra, lớn lên ở Hà Nội mà còn bởi nét bình dị, quý phái, sâu sắc đậm chất Hà thành một thời.
Bà Dương Thị Kim Chi sinh ra, lớn lên ở Hà Nội những năm đầy bom đạn |
Lần dở những bức ảnh đen trắng đã phai nước ảnh, chụp những năm Hà Nội còn sơ tán, còn bom đạn, trước và sau giải phóng, bà Chi như sống lại tuổi thơ đầy dữ dội bởi chiến tranh những cũng rất đỗi hào hùng; giữa những nét làng quê yên ả ở vùng sơ tán, tạm cư đan xen với những cột khói, những bức tường nứt toác bởi bom đạn.
“Mẹ tôi mang bầu khi tôi ở vùng đất sơ tán thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội; sau đó bà về quê ở làng Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội và sinh tôi ở đó”.
Bà Chi bắt đầu câu chuyện về những năm tháng ở Hà Nội với chúng tôi như vậy. Bà kể, năm 1954 bố bà (đi bộ đội) được điều về công tác tại một nhà máy ở Hải Phòng nên đưa cả gia đình về Hải Phòng. Đến năm 1960 thì ông mất, sau đó mấy mẹ con bà vẫn sống ở khu vực gần sân vận động Lạch Chay.
Năm 1964, đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc, từ Hải Phòng, gia đình bà sơ tán về Hà Nội, rồi lại về Sơn Tây. Trải qua những năm tháng học sinh ở Hà Nội, vừa học, vừa sơ tán ở vùng tản cư, tạm chiếm, đến năm 1968 bà Chi vào đại học Trường Đại học Thương nghiệp Trung ương, nay là Trường Đại học Thương mại.
Vào giai đoạn 1968 - 1979, Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc, suốt ngày không im khói súng. Gia đình bà sơ tản nhiều nơi. Vào năm thứ nhất đại học, bà lại sơ tán về huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, tạm lắng một thời gian về lại trường để học. Sau đó bà và các bạn học đi giúp đồng bào phía Bắc phòng chống lũ lụt…
“Đến năm 1973, lớp học của tôi nhận nhiệm vụ tham gia phục Lễ trình quốc thư của Đại sứ các nước đối với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị. Sau đó chúng tôi về lại Hà Nội thi tốt nghiệp để ra trường. Mấy năm sau, tôi dạy Trường trung cấp Thương mại Hà Nội cũng như làm công tác giảng dạy tại nhiều trường học khác ở đây. Đến năm 1979 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi vào hẳn TP.HCM sinh sống”, bà Chi xúc động nhớ lại.
Gần 29 năm sinh ra, lớn lên, học tập, chiến đấu ở Hà Nội thân yêu, tuổi thanh xuân của bà Chi và thế hệ của bà gắn liền với một Hà Nội không bình yên bởi tiếng súng nhưng là một Hà Nội tình nghĩa, tình thương với nhau giữa lúc nguy nan trong vùng sơ tán, giữa làn bom đạn sinh tử. Là một Hà Nội kiên cường, bất khuất; ngày đêm nung nấu ý chí quật cường giải phóng bằng sự bền bỉ, kiên trì, quả cảm và đấu tranh cách mạng tới cùng.
Cũng trong thời gian ở Hà Nội, bà và người yêu (sau này thành vợ chồng) đã có lương duyên đến với nhau khi chồng bà là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, còn bà lúc đó đang là sinh viên đầy hoài bão. Năm 1977, người yêu bà được điều động vào TP.HCM giảng dạy tại Trường Cao đẳng giao thông vận tải. Sau đó 2 năm bà quyết định xa Hà Nội vào TP.HCM, kết hôn và lập nghiệp ở vùng đất mới.
“Sau bao nhiêu năm xa cách, Hà Nội vẫn luôn in đậm trong tâm trí tôi. Tôi nhớ những lần sơ tán, nhớ biết bao khuôn giữa thời đạn bom, những ô phố loang lổ bởi khói đạn, nhớ những lần đi tàu về quê mẹ ở làng Nhân Chính, nơi còn sót lại những ao, những đám ruộng khá yên bình. Nhớ Hà Nội, là nhớ muôn vàn điều yêu thương”, bà Chi xúc động nói.
Niềm nhớ không tên
Thế hệ bà Dương Thị Kim Chi đã trải qua và là nhân chứng sống về một thời Hà Nội khói lửa. Thế hệ sau may mắn hơn khi được sinh ra, được học tập ở Hà Nội trong thời bình, trong phát triển và hội nhập. Mỗi người một công việc, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu trung lại, khi đã gắn bó với Hà Nội thì mỗi lần xa Hà Nội, lòng trí lại bâng khuâng, xốn xang, thầm nhớ, thầm yêu mảnh đất này nhiều hơn.
Nhà báo, nhà văn, nhà thơ Hồ Huy Sơn từng 4 năm gắn bó với Thủ đô Hà Nội yêu dấu |
Nhà thơ, nhà văn, nhà báo Hồ Huy Sơn (sinh năm 1985, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, hiện công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng) theo học Trường Đại Văn hóa Hà Nội từ năm 2009. Sau khi tốt nghiệp đại học, Sơn vào TP.HCM viết báo. Thấm thoát đã 15 năm xa Hà Nội.
Sơn kể: “Đôi khi nghĩ lại, chợt giật mình. Dù không phải là nơi được sinh ra và lớn lên, nhưng Hà Nội đã từng là nơi mang đến thật nhiều thương mến cho tôi từ những ngày còn cắp sách đến trường. Một trong những động lực thôi thúc tôi phải thi đậu đại học cũng là Hà Nội. Để rồi sau này, ngoài quê hương Nghệ An thì Hà Nội cũng là nơi thỉnh thoảng xuất hiện trong nỗi nhớ về chốn cũ”.
Hồ Suy Sơn có 4 năm sống ở Hà Nội - trong quãng thời gian theo học tại trường Viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Theo Sơn, những kỷ niệm giúp Sơn luôn có cảm giác được kết nối với Hà Nội cũng không có gì lớn lao và chân thực, gần gũi bằng những năm tháng cùng ăn cùng ở cùng học với bạn bè trong ngôi trường Viết văn Nguyễn Du.
“Đó là những buổi chiều, lũ sinh viên chúng tôi ngồi quây quần với nhau nơi quán trà trong hẻm sau trường, cùng hàn huyên, chia sẻ cho nhau những bài thơ mới viết hay khoe với nhau những bài thơ vừa được đăng báo. Bấy nhiêu thôi mà rộn ràng cả một góc hẻm, bấy nhiêu thôi cũng đủ truyền cho nhau động lực và tình yêu với văn chương”, Sơn tâm sự.
Sơn nhớ những buổi chiều một mình đạp xe lên Đinh Lễ, len lỏi qua những cửa hàng sách mụ Hoa, Ngân Nga, Mão, Lâm… tìm mua những tác phẩm văn chương vừa phát hành. Kết thúc luôn là khoảnh khắc được tĩnh tại ngồi ghế đá bên hồ Gươm, chứng kiến một ngày khép lại; đôi khi là ghé vào cửa hàng kem Tràng Tiền gần đó, tự thưởng cho mình một cây kem đậu xanh hay sữa dừa mát lạnh…
“Đương nhiên, Hà Nội giờ đã có nhiều đổi thay, không còn là Hà Nội của bốn năm tôi gắn bó, càng xa với Hà Nội của thời Thạch Lam, Tô Hoài… Bạn bè tôi năm ấy, giờ ai cũng có cuộc sống riêng, bận rộn chuyện gia đình, con cái. Rất nhiều lần, tôi mong được về Hà Nội, dù chỉ được hít một chút cái se lạnh của mùa thu, hay ngồi lặng yên nhìn chiều rơi trên hồ Gươm, nhưng đâu đó lại vẩn lên nỗi sợ mơ hồ. Tôi sợ không còn nhìn thấy Hà Nội của lòng mình, sợ cảm giác bơ vơ trên chính không gian mà mình hằng yêu mến.
Nhưng rồi, chính những kỷ niệm nhỏ nhoi kia lại là sợi dây giúp tôi “mong về Hà Nội” như lời bài hát cùng tên của nhạc sĩ Dương Thụ, chẳng để làm gì, nhiều khi chỉ “Để nghe gió sông Hồng thổi/ Để thương áo len cài vội/ Một chiều đông rét mướt”. Được sống lại với chút kỷ niệm ít ỏi kia ở Hà Nội, cũng là món quà thiết thân dành cho người đi xa”, Hồ Huy Sơn chia sẻ.
Đi xa là nhớ
Tâm trạng những người có thời gian học tập, sinh sống tại Hà Nội đã vậy, những người con Hà Nội càng thương nhớ bội phần hơn nơi mảnh đất mình đã sinh ra nhưng phải tạm xa vì công việc.
Nhà báo Duy Phương (sinh năm 1991), sinh ra ở cạnh Hồ Tây, quận Tây Hồ, Hà Nội. Hiện nay Duy Phương đang làm báo tại Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV tại TP.HCM.
“Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời/ Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó…”. Những câu hát được nhạc sỹ Huy Du viết cũng chính là nỗi lòng của một người con Thủ đô đang sinh sống tại Thành phố mang tên Bác. Gần 10 năm lập nghiệp ở phương Nam, Phương vẫn nhớ như in ấn tượng khi lần đầu tiên chứng kiến sự sôi động, nhịp sống hối hả tại đô thị hoa lệ bậc nhất cả nước.
Nhà báo Duy Phương sinh ra ở quận Tây Hồ, Hà Nội, hiện đang làm việc tại TP.HCM |
“Khác với Hà Nội - chậm rãi, cổ kính, rêu phong, TP.HCM nổi bật với dòng chảy kinh tế năng động. Nơi này cập nhật những xu thế mới của thế giới, được đón nhận bởi sự phóng khoáng của con người Nam Bộ. Điều đó tạo nên hình ảnh Thành phố tươi trẻ, hoà nhập, là miền đất hấp dẫn để người dân tứ xứ tụ hội về”, Duy Phương chia sẻ.
Theo Duy Phương, suốt quãng thời gian tại đây, TP.HCM đã “kể” cho bản thân Phương những câu chuyện rất riêng, giản dị và dân dã, như chính đặc trưng của khí hậu phương Nam “hai mùa mưa nắng”. Đó là những thùng bánh mỳ, nước uống miễn phí “dành cho người cần, làm ơn lấy vừa đủ”. Hay là sự dễ thương, hiệp nghĩa với những tấm bảng chỉ dẫn đặt ở góc ngã tư đường cho người nơi khác chạy xe cần tìm.
“TP.HCM là vậy, và Hà Nội thân yêu của tôi cũng có những nét riêng không dễ gọi tên dù được sinh ra, lớn lên ở đó. Trong những ngày Tháng Mười lịch sử, một người con xa Hà Nội như tôi lại bồi hồi với nhiều nỗi nhớ quê nhà hồ Tây lộng gió. Gửi chút nắng ấm phương Nam ra Thủ đô, cùng vài lời nhắn nhủ bản thân sẽ tiếp tục góp một phần nhỏ để mang “chất riêng” Hà Nội, giữ hồn cốt Hà Nội để hoà vào dòng đời đa dạng, đa sắc màu tại TP.HCM trên cùng mảnh đất chữ “S” yêu dấu, thiêng liêng”, Duy Phương nói.
Tương tự, nhà báo Xuân Tình (hiện đang công tác tại Báo Lao động Thủ đô) cũng có 4 năm gắn bó với Hà Nội khi theo học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh vào TP.HCM viết báo. Nói về Hà Nội, lòng anh lại trỗi dậy những ký ức thật khó phai mờ về một thời sinh viên.
“Khi ra Hà Nội nhập học, tôi xách va ly từ bến xe Giáp Bát đến trường trên đường Nguyễn Trãi. Thầy giáo phải gọi tên 2 lần tôi mới rõ để làm thủ tục. Sau đó, tôi bắt xe ôm về Ký túc xã Mễ Trì, quận Thanh Xuân trong vẻ ngơ ngác, lo sợ của một người từ tỉnh lẻ lần đâu ra Thủ đô”, anh Xuân Tình nhớ lại.
Sau khi ổn định nơi ở, bản thân anh Xuân Tình “làm quen” phố xá Hà Nội trên chiếc xe đạp, tối thứ 7 nào cũng rảo quanh Hồ Gươm, sáng chủ nhật miệt mài trên đường Láng, tạt vào những tiệm sách cũ hoặc vào thư viện đọc sách.
Hà Nội luôn gợi về những năm tháng không thể nào quên đối với nhà báo Xuân Tình |
“Nhớ Hà Nội vào đông, lũ sinh viên trong dãy trọ bập bùng tiếng đàn guitar, nghêu ngao những giai điệu nhạc chế sinh viên hoặc tập tành bản solo cổ điển lãng mạn. Rồi vào đêm, dòng người thưa thớt đi lại. Trong tiếng gió rít căm buốt, dưới ngọn đèn vàng tỏa nhạt, bóng những người bán xôi, bán bánh giò lại vang lên, thổn thức đến nao lòng”, anh Xuân Tình bồi hồi.
Xa Hà Nội đã 16 năm, hiện nay anh Xuân Tình đang gắn bó với TP.HCM đầy nắng gió. Mỗi nơi một nét, mỗi miền một vẻ, nếu TP.HCM sôi nổi, phát triển kinh tế năng động thì Hà Nội lại trầm lắng, cổ kính, sâu sắc. Mỗi lần nhắc về Hà Nội, những người may mắn từng gắn bó với Hà Nội như anh Xuân Tình lại bồi hồi nhớ mong.
Hà Nội không chỉ là nơi đến đầu tiên trong hoài bão của tuổi trẻ sau khi rời ghế nhà trường, nơi đào tạo kiến thức dưới mái trường đại học mà còn là nơi hun đúc ý chí, là nơi mà tâm hồn đã buông rơi biết bao xung động sâu sắc khi cuộc đời tuổi trẻ lần đầu “chạm ngõ” với biết bao bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống. Và vì thế, nhờ Hà Nội, nhiều người đã “lớn” lên, trưởng thành, phát triển và mang dấu ấn riêng.
T. Hương Thủy (Nguồn: //laodongthudo.vn/)