Mặc dù là mô hình mới song “Chợ 4.0” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương và người dân Thái Nguyên. Tại 11 chợ đã triển khai, tỷ lệ 70% tiểu thương tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt là 70% và 1 nửa trong số đó có phát sinh giao dịch thanh toán online.
Từ kết quả thí điểm, Thái Nguyên đã quyết định nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” – khu chợ hoàn toàn không dùng tiền mặt, với yêu cầu ngay trong năm 2022 mô hình này có mặt ở tối thiểu 60 chợ trên địa bàn tỉnh.
Theo lộ trình, đến hết năm nay, 100% các tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ được trang bị quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt và mỗi chợ đưa được tối thiểu 1 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử; 100% các chợ theo danh sách đăng ký thu các khoản phí như tiền điện, thuê vị trí,... bằng hình thức không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn coi việc triển khai mô hình “Chợ 4.0” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương mình. Sở TT&TT được giao làm đầu mối, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.
Khi tham gia “Chợ 4.0”, tiểu thương và người dân cần có Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân và số điện thoại chính chủ, sẽ được nhân viên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money hỗ trợ tạo tài khoản ví điện tử và hướng dẫn sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt.
Sau đó, tại các “Chợ 4.0”, người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mua hàng bằng quét mã QR qua tài khoản Viettel Money, VNPT Money, tài khoản của các ngân hàng. Việc quét mã QR để thanh toán giúp cho người dân tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách.
Hà Trần (t/h)